Tập trung gỡ khó cho 'tam nông'

Trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị và Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chiều ngày 26/11/2018, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình đã diễn ra Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Chính phủ tổ chức với chủ đề:'Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế'.

Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Đẩy mạnh chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong thành tựu đó nổi bật lên một số kết quả về tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm trong giai đoạn 2008 - 2017 và dự kiến đạt 3,5 - 3,6% năm 2018. Năng suất lao động nông nghiệp đã được cải thiện, tăng từ 13,6 triệu đồng/lao động năm 2008 lên 35,5 triệu đồng/lao động năm 2017.

Trong 10 năm qua, ngành Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành có đóng góp lớn đối với sự phát triển của khu vực tam nông. Theo ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), triển khai các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 26 của BCH Trung ương. NHNN đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này, khởi đầu là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trước yêu cầu về đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cho phù hợp hơn với thực tế triển khai nông nghiệp trong tình hình mới, trong đó nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, trong 10 năm qua, ngoài ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn cao nhất (gần 50% dư nợ cho vay toàn hệ thống)hiện nay đã có 66 tổ chức tính dụng và hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn. Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2008-2017, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 19,5% và luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Đến cuối tháng 9/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.665.836 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 23,9% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Các FTA thế hệ mới sẽ là cơ hội cho hàng nông sản

Tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), người đã trực tiếp tham gia nhiều đoàn đàm phán FTA (Hiệp định thương mại) của Việt Nam cho biết, các FTA đang tạo ra nhiều cơ hội cho hàng nông sản. Điển hình như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), hàng loạt nông sản xuất khẩu của các thành viên được giảm thuế về 0% sau một lộ trình nhất định. Đơn cử như Canada sẽ xóa bỏ 100% các loại thuế đánh vào xuất khẩu gỗ của Việt Nam; Nhật Bản cho phép 91% các mặt hàng thủy sản, 91% sản phẩm đồ gỗ, 78% nông sản của Việt Nam về 0% ngay lập tức.

Các diễn giả thảo luận

Còn tại hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), các loại thuế thuế sẽ giảm trong khoảng 7-10 năm tới. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0-4%% ngay lập tức như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%). Gạo tấm xuất khẩu, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Với thủy sản, 50% dòng thuế sẽ bị xóa bỏ. “Đây là cơ hội rất lớn cho hàng nông sản Việt Nam. Các sản phẩm nông sản sẽ có cơ hội mở thêm thị trường. Một số nước Việt Nam đã có FTA song phương như Nhật Bản, Australia, New Zealand… cũng sẽ cam kết ưu đãi hơn nữa”, ông Ngô Chung Khanh chỉ ra.

Bên cạnh đó, cơ hội sâu xa và bền vững hơn là các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thiết lập cơ sở sản xuất để xuất khẩu trở lại chính quốc. Các dự án sẽ giúp người nông dân Việt Nam nâng cao trình độ, được hưởng lợi.

Ông Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, các FTA thế hệ mới sẽ là cơ hội để ngành nông nghiệp cải cách thể chế, gỡ bỏ nhiều vướng mắc, giúp đầu tư hiệu quả hơn.

Cần hóa giải thách thức đối với lĩnh vực "tam nông"

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song theo các diễn giả tham gia Hội thảo, sau 10 năm vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn về đầu tư và phát triển thị trường như vốn đầu tư. Đại diện các Bộ, ngành đã cùng nhau trao đổi giải pháp đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, gia tăng, mở rộng đầu tư, phát triển thị trường hàng nông nghiệp, nông thôn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất, cần phải triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (bao gồm cả đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp); Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, cả thị trường nội địa và quốc tế. Hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trước yêu cầu của các FTA thế hệ mới.

Tham luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đặc biệt là việc tích tụ đất đai, sản xuất theo quy mô lớn. Ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp -Bộ KH&ĐT đề xuất, cần sửa toàn diện các luật liên quan đến nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Chính sách đất đai cũng cần thay đổi trong thời kỳ mới, đặc biệt là quan điểm về an ninh lương thực. Hiện tại chúng ta vẫn đang tranh cãi 3 triệu ha, 3,4 hay 3,8 triệu ha đất dành cho nông nghiệp có phù hợp hay không? Nếu không có thể giảm xuống để các địa phương cần đất cho mục đích khác có thể sử dụng, tránh kìm hãm sự phát triển”- ông Đinh Ngọc Minh lưu ý.

Đại diện Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp còn chưa hấp dẫn, còn chậm nghiên cứu sửa đổi, chưa theo kịp xu hướng thế giới. Ông Đinh Ngọc Minh đề nghị, trong thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Trần Văn Tần cũng nêu ra những khó khăn khi cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Theo đó ngành nông nghiệp có thị trường tiêu thụ chưa ổn định, đối mặt thiên tai, dịch bệnh, rủi ro lớn trong khi hiệu quả kinh tế không cao bằng các ngành khác. “Cần phải có cơ chế hạn chế rủi ro, điển hình là phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Từ đó, các ngân hàng sẽ mạnh dạn đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay, hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tích cực đẩy mạnh hỗ trợ các ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp”, ông Trần Văn Tần đề xuất.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tap-trung-go-kho-cho-tam-nong-112391.html