Tập trung gỡ khó cho các dự án nước sạch nông thôn

Thời gian qua TP Hà Nội đã tập trung đầu tư các công trình cấp nước khu vực nông thôn để có thể đạt mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch, với cùng tiêu chuẩn chất lượng nước đô thị.

Nước sạch đã làm đổi thay đời sống của nhiều vùng nông thôn Thủ đô, đặc biệt là ở những vùng thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt như các xã: Phùng Xá, Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); Ngọc Mỹ (Quốc Oai); Trường Yên (Chương Mỹ)… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vùng nông thôn, người dân chưa được sử dụng nước sạch hoặc đã cấp nước sạch nhưng vì nhiều lý do nên người dân chưa dùng.

Theo số liệu thống kê, hiện mạng lưới cấp nước đã bảo đảm khả năng đấu nối, cấp nước cho khoảng 2.237.008 người, tương đương 52% số dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thông tin trên báo Hà Nội Mới, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên nhân khiến người dân nông thôn được sử dụng nước sạch thấp chủ yếu do một số dự án chậm triển khai. Đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển nguồn, các dự án phát triển mạng lưới tại những khu vực sử dụng nguồn từ các nhà máy nước tập trung chuẩn bị hoàn thành; một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu tư vấn.

Bên cạnh đó, việc đầu tư các tuyến đường theo quy hoạch chưa đồng bộ; tiến độ thực hiện các dự án phát triển mạng lưới cấp nước khi thi công gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trong di chuyển các công trình ngầm, nổi…

Trước thực trạng nêu trên, TP Hà Nội đã chủ trương xã hội hóa việc cấp nước sạch nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm. Từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước, khi hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ cấp nước khu vực nông thôn lên khoảng 94%.

Trong số này có nhiều dự án lớn như Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước mặt sông Hồng; dự án cung cấp nước sạch cho địa bàn huyện Chương Mỹ từ nguồn nước sông Đà của Công ty môi trường đô thị Xuân Mai; dự án đầu tư xây dựng cấp nước sạch cho huyện Phú Xuyên từ nguồn nước mặt sông Hồng của Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam. Nhờ chủ trương này, chỉ thời gian ngắn, nhiều người dân các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì… đã được sử dụng nước sạch. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch khoảng 52%. Tuy nhiên còn nhiều dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch cung cấp nước sạch chung của thành phố.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 toàn bộ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư hệ thống mạng cấp nước; hướng dẫn cụ thể việc cho phép doanh nghiệp được ứng tiền của người dân, sau đó trừ dần vào tiền nước hằng tháng. Thành phố cần kiên quyết thay thế các chủ đầu tư kém năng lực. Đối với các trạm cấp nước sạch nông thôn cần rà soát, đánh giá và có phương án xử lý cụ thể từng trạm. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ xử lý nước các trạm đang hoạt động ổn định, nguồn nước bảo đảm chất lượng…

Hà Thu (T/h)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/tap-trung-go-kho-cho-cac-du-an-nuoc-sach-nong-thon/