Tập trung giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc

Chương trình 06 của Thành ủy về 'Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020' đã được thành phố chỉ đạo các cấp, ngành triển khai nghiêm túc và quyết liệt trong năm qua. Những vấn đề người dân bức xúc từng bước được giải quyết.

Lập lại trật tự, mỹ quan đô thị

Từ đầu năm nay, thành phố ban hành Kế hoạch 01/KH-BCÐ197, chỉ đạo các địa phương phải tạo được chuyển biến rõ nét về kỷ cương đô thị. Ðầu tháng 3, lực lượng chức năng của các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt ra quân, xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ.

Chưa bao giờ các cấp chính quyền thành phố có sự chỉ đạo tập trung và triển khai mạnh mẽ như thế. Mái che, mái vảy, bục bệ, cầu dẫn, những hành vi xâm phạm vỉa hè… được giải tỏa. Xe đạp, xe máy được xếp theo một chiều sát cửa nhà, không để lộn xộn dưới lòng đường. Vệ sinh môi trường cải thiện rõ nhờ việc xóa bỏ các điểm tập kết rác, yêu cầu người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và thu gom, vận chuyển ngay. Khoảng 5.500 thùng rác đã được lắp đặt trên các đường, phố ở khu vực nội thành để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ðồng thời năm tổ kiểm tra được thành lập, thường xuyên giám sát, xử phạt những hành vi vi phạm vệ sinh môi trường.

Những hoạt động nêu trên mới chỉ là bước đầu, thành phố yêu cầu các địa phương phải duy trì nền nếp sinh hoạt đô thị. Cho đến nay, dù một số nơi, công tác quản lý có biểu hiện "chùng xuống", dẫn đến vi phạm tái phát, song nhìn chung các quận, huyện đều kiên trì các hoạt động kiểm tra, giám sát. Bộ mặt đô thị nhờ vậy có sự thay đổi đáng kể. Ðáng chú ý, nhiều đơn vị còn phát động được các phong trào giữ gìn vệ sinh chung, cùng làm đẹp phố phường, huy động được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các lực lượng. Phụ nữ quận Hoàn Kiếm, quận Ðống Ða, thanh niên quận Cầu Giấy… không chỉ vận động người dân duy trì vỉa hè thoáng, sạch, mà còn làm cho những đoạn đường bừng nở hoa với sáng kiến trang trí cây hoa cảnh trước cửa nhà, gốc cây hay góc phố từng là tụ điểm rác.

Bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường

Hơn một năm qua, bên cạnh việc triển khai nhiều dự án đầu tư hệ thống cấp nước sạch ở xã ngoại thành theo hình thức xã hội hóa, thành phố tích cực chỉ đạo giải quyết những tụ điểm ô nhiễm môi trường ở nông thôn do rác thải sinh hoạt, chất thải làng nghề..., góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Hàng loạt dự án đã và đang được thực hiện ở các xã khó khăn về nước sinh hoạt như: Dự án cấp nước cho gần bảy nghìn hộ dân ở bốn xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Dự án cấp nước cho mười xã ở huyện Thạch Thất (trong đó có những xã rất bức xúc về nguồn nước sinh hoạt như Chàng Sơn, Thạch Xá, Hữu Bằng). Dự án Nhà máy nước mặt sông Ðuống và đầu tư phát triển mạng lưới truyền dẫn cấp nước tới các xã thuộc huyện Sóc Sơn, Gia Lâm, Ðông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Thanh Oai... Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội cũng đã thực hiện cơ bản xong Dự án cấp nước cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). Thành phố chỉ đạo các huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây và các ngành liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng ứ đọng rác thải sinh hoạt trên địa bàn, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Ðối với khu vực nội thành, thành phố chỉ đạo ứng dụng công nghệ mới là chế phẩm Redocy 3, xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường nước tại 129 hồ. Bên cạnh đó, ngành chức năng nghiên cứu triển khai hệ thống bổ cập nước cho các sông thoát nước của thành phố bị ô nhiễm và các hồ như: sông Lừ, Sét, hồ Tây, Trúc Bạch… Tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch; bảo đảm thoát nước, chống úng ngập mùa mưa ngày càng tốt hơn. Hiện nay, Ðề án bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đang được hoàn thiện để trình thành phố phê duyệt và khởi động các chương trình về bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Ðáy.

Phát triển hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc

Ðầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống giao thông vẫn luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bên cạnh công trình đầu tư dài hạn, thành phố rà soát và ưu tiên thực hiện các dự án giao thông cấp bách nhằm xóa bỏ các điểm đen về tai nạn và ùn tắc. Trong số tám dự án giao thông cấp bách được triển khai từ năm 2016, hai công trình đã hoàn thành là cầu vượt Ô Ðông Mác - Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng) và cầu vượt nút giao Cổ Linh - Vĩnh Tuy (quận Long Biên), góp phần tăng cường đáng kể năng lực giao thông ở khu vực. Dự án đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Ðồng) đang được đẩy mạnh thi công, đến nay đã đạt khoảng hơn 50% khối lượng, dự kiến hoàn thiện vào quý I-2018. Tuyến đường cửa ngõ với thiết kế 12 làn xe sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Dự án cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên đã khởi công xây dựng.

Bên cạnh công tác đầu tư hạ tầng cơ sở, thành phố đã xây dựng và ban hành Ðề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030". Trong đề án, thành phố chủ trương đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa các loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh BRT, buýt thường, đường sắt đô thị trên cao và đi ngầm… Thành phố từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới dừng lưu thông xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030, mở rộng không gian đi bộ, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và bảo đảm an toàn giao thông.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34701902-tap-trung-giai-quyet-van-de-dan-sinh-buc-xuc.html