Tập trung giải quyết thiếu biên chế giáo viên

Thiếu biên chế giáo viên tại các địa phương trên cả nước là vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Bộ GD&ĐT cho biết tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xử lý việc thiếu biên chế giáo viên; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn

Bộ GD&ĐT cũng nhận được chất vấn về vấn đề này, cũng như một số nội dung khác liên quan đến GD-ĐT; Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Nhiều giải pháp đã thực hiện nhưng vẫn thiếu giáo viên

Đối với vấn đề biên chế giáo viên, văn bản của Bộ GD&ĐT gửi đại biểu Quốc hội cho biết, hiện nay theo chức năng quản lý Nhà nước về GD-ĐT, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm, định mức giáo viên, nhân viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các chương trình bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp... theo đúng quy định của Luật Viên chức hiện hành.

Bộ GD&ĐT cũng có trách nhiệm xây dựng, ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp và cán bộ quản lý; các chương trình bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp làm căn cứ để các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý (CBQL) GD hiện có; từ đó, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL GD; tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên phù hợp.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã có các văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát tình hình bố trí, sử dụng giáo viên mầm non, phổ thông và thực hiện tinh giản biên chế. Như vậy, Bộ GD&ĐT đã thực hiện tương đối đầy đủ trách nhiệm theo chức năng quản lý Nhà nước về GD-ĐT...

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên và chưa đồng bộ về cơ cấu giáo viên diễn ra ở trong một cấp học hay ở các cấp học khác nhau tại một số địa phương; một số địa phương còn vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, làm ảnh hưởng đến chất lượng GD và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhiều giải pháp đã được Bộ GD&ĐT thực hiện để khắc phục trình trạng trên. Thời gian tới, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT cho biết tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương xử lý việc thiếu biên chế giáo viên; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa phương có tăng dân số cơ học, trên tinh thần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế.

Liên quan đến giáo viên dạy học tích hợp trong Chương trình phổ thông mới, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại hội trường chiều 30/10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã có tính toán. Theo đó, môn tích hợp các cấu phần, giáo viên chuyên sâu môn nào sẽ dạy môn đó và có phối hợp với nhau. Thời gian áp dụng chương trình THCS theo lộ trình cuốn chiếu còn khoảng 6 - 7 năm nữa, nên quỹ thời gian đủ để bồi dưỡng giáo viên. Chương trình bồi dưỡng đang được Bộ GD&ĐT triển khai.

Bên cạnh đó, các giáo viên có điều kiện, nhu cầu sẽ học thêm các chuyên đề, học phần các môn khác để dần từng bước có thể dạy 2 môn. Bộ đã giải pháp đào tạo giáo viên có thể dạy được cả 3 môn trong những năm dài hơn, đây là kinh nghiệm từ các nước và cũng là xu hướng quốc tế. “Về việc này, quỹ thời gian còn dài để chuẩn bị” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội tại hội trường chiều ngày 30/10. Ảnh Lâm Hiển

Đề xuất bổ sung biên chế ngành GD cho 22 tỉnh

Từ trước năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học; trong đó nêu rõ thực trạng thừa, thiếu giáo viên tại một số địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất phương án đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng đột biến về quy mô HS, cùng với 5 tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra là một số đề xuất liên quan đến xử lý vấn đề biên chế, hợp đồng giáo viên.

Thông tin này cũng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề cập khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 30/10. Liên quan đến biên chế giáo viên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Thực hiện tinh giảm biên chế theo Nghị quyết 39 và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 là chủ trương rất lớn. Riêng ngành GD có tỷ lệ người làm việc theo chế độ lao động nhiều nhất, gần một triệu giáo viên; hiện tồn tại thực trạng thừa thiếu cục bộ ở từng địa phương, cấp học, bậc học. Theo số liệu báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay trong toàn ngành, từ mầm non đến phổ thông, thiếu trên 107.000 giáo viên và thừa gần 9.000 giáo viên.

Việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên nói riêng, viên chức ngành GD nói chung, theo phân cấp quản lý, các địa phương thực hiện theo các quy định của Luật Viên chức. Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý viên chức ngành GD (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ. Các địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ về cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT trên địa bàn.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ GD&ĐT, thống nhất có Tờ trình số 4558, báo cáo về tổng số biên chế giáo viên và biên chế ngành Y tế đang thiếu, đề nghị Chính phủ cho ý kiến xử lý. Ngày 11/10/2018, Bộ Nội vụ có Công văn 5068 gửi Chính phủ đề xuất bổ sung biên chế ngành GD, trong đó trước mắt tập trung giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non cho 17 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Về lâu dài, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát lại số HS, giáo viên thực tế để giải quyết lực lượng giáo viên thừa thiếu cục bộ hiện nay. Xây dựng, hoàn thiện các nghị định quy định về cơ chế tự chủ với các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành GD. Rà soát lại định mức đối với định mức giáo viên/ lớp, HS/ lớp; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu cho phù hợp; hoàn thiện lại đề án vị trí việc làm ở các đơn vị sự nghiệp công lập...

Bộ GD&ĐT chủ động rà soát quy chuẩn trường, lớp

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ đến năm 2016 (trong đó có việc xây dựng 4/14 đề án còn lại), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong 4 Đề án, có một Đề án được Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH, đó là Đề án nâng cao chất lượng GD nghề nghiệp; còn 3 Đề án đang được Bộ GD&ĐT triển khai. Trong đó, Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho GD mầm non và phổ thông đã được Thủ tướng Chính phủ ký hôm 29/10.

Về Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho GD mầm non và phổ thông, trong 3 năm, Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương để mô tả các điều kiện về an toàn về cơ sở vật chất của các trường mầm non, phổ thông; đặc biệt là yêu cầu dạy 2 buổi/ngày đối với mầm non.

Theo thống kê, hiện nay bậc mầm non còn thiếu 15% và bậc tiểu học còn thiếu 20% số trường lớp để đảm bảo học 2 buổi một ngày, chủ yếu ở các tỉnh còn khó khăn miền núi. Thiết bị dạy học mới chỉ đáp ứng được dưới 40%. Đề án này sẽ giải quyết được một phần nhu cầu và thiết kế các hướng khung để theo đó các địa phương triển khai. Còn số kinh phí mà ngân sách Trung ương cấp chủ yếu dành cho các vùng khó khăn.

Đề án thứ hai là Đề án Quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên và các trường đại học, Bộ đã tiến hành rà soát để trình Chính phủ, nhưng vừa rồi có Nghị quyết 18 - NQ/TW và Nghị quyết 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017, cùng với quy hoạch ngành quốc gia theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, nên Bộ đã trình Chính phủ để triển khai phù hợp với Luật Quy hoạch.

Đề án thứ ba là Đề án Huy động nguồn lực của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển GD - dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020. Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý chuyển thành nghị quyết. Dự thảo nghị quyết đã được Bộ trình Chính phủ vào ngày 28/9/2018.

Như vậy hiện nay, chỉ còn Đề án Quy hoạch mạng lưới để phù hợp với Luật Quy hoạch. Bộ trưởng nêu rõ, cơ sở vật chất là một trong những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo chất lượng GD, trách nhiệm trước hết là của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ có trách nhiệm rà soát quy chuẩn trường lớp để tới đây ban hành quy chuẩn, qua đó hướng dẫn các địa phương quy hoạch.

Bộ trưởng cũng đề nghị các Bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các địa phương cùng quan tâm tới vấn đề xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đầu tư trang thiết bị để triển khai thành công Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông.

Hiếu Nguyễn - Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tap-trung-giai-quyet-thieu-bien-che-giao-vien-3960928-b.html