Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu

Tiếp sau đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất khẩu cả nước đang tiếp diễn khá suôn sẻ, với kết quả đáng ghi nhận. Nhìn chung, xuất khẩu đang lấy đà bước vào chặng cuối để tiến tới mục tiêu hoàn thành và hơn thế là hoàn thành vượt mức chỉ tiêu để trở thành điểm sáng của nền kinh tế...

Tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,11 tỷ USD, tăng 17,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,3 tỷ USD (chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 13,4%. Như vậy, có thể thấy rõ kết quả xuất khẩu đạt khá và có tốc độ cao hơn hẳn so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là tăng 10%.

Xét về mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Điện thoại và linh kiện đạt 30,9 tỷ USD, tăng 15,7%; hàng dệt may đạt 19,4 tỷ USD, tăng 14,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,4 tỷ USD, tăng 14,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,6 tỷ USD, tăng 26,9%; giày dép đạt 10,5 tỷ USD, tăng 9,6%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá: Rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,8%; hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, tăng 2,5%...

Đặc biệt, tính đến giữa tháng 9, lượng gạo xuất khẩu tăng 9% về khối lượng và đạt 2,4 tỷ USD, tức tăng trên 24% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của quá trình tập trung chuyển dịch cơ cấu giống lúa, chủ động thực hành canh tác nông nghiệp sạch để nâng cao chất lượng gạo. Thông tin mới nhất cho biết, Philippines đã đề cập nhu cầu nhập khẩu 2 triệu tấn gạo Việt Nam, với trị giá 1 tỷ USD, tạo ra lợi thế và cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của nước ta.

Về thị trường xuất khẩu 8 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt kim ngạch 27,7 tỷ USD, tăng 10,8%; Trung Quốc đứng thứ 3, đạt 23,4 tỷ USD, tăng 25,2%, từ thực tế này có thể nhận định rằng, diễn biến xuất khẩu đang đi đúng hướng, với việc tập trung khai thác sâu thị trường Hoa Kỳ - thị trường có sức mua dồi dào và liên tục nhất thế giới.

Xét rộng hơn còn thấy, hiện Hoa Kỳ đang có mâu thuẫn trong quan hệ thương mại với một số đối tác, dẫn đến việc xuất khẩu của các nước vào Hoa Kỳ suy giảm và vì vậy sẽ làm gia tăng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt vào nước này.

Tính chung 8 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì tình trạng xuất siêu, với thặng dư 2,8 tỷ USD; tạo sự an tâm về hoạt động điều hành vĩ mô.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ chủ động tăng cường công tác xúc tiến thương mại ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng tập trung giám sát, theo dõi tình hình nhập khẩu nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu một số mặt hàng chưa thật cần thiết như ô tô, hóa mỹ phẩm, quần áo, dược phẩm cao cấp... để đáp ứng mục tiêu lành mạnh hóa cán cân thương mại quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa tái nhấn mạnh mục tiêu tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp Việt với mạng lưới sản xuất toàn cầu; chủ động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp quốc tế trong việc chia sẻ cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng gắn liền với cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm cần tập trung khai thác tối đa một số sản phẩm/mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao và đang “hot” trên thị trường quốc tế như điện thoại di động chất lượng cao, dịch vụ gia công phần mềm, sản phẩm cơ khí chính xác, đồ gỗ chế biến... Đặc biệt, các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu nên tận dụng thời gian chuẩn bị bước vào quý IV - tức là thời điểm nước rút tăng tốc hoàn thành kế hoạch hằng năm để thúc đẩy xuất khẩu.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/913764/tap-trung-day-manh-xuat-khau