Tập trung cứu trợ, ứng phó với bão số 8

Sáng 21-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung. Đồng chủ trì cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó với bão số 8 và mưa, lũ các tỉnh miền Trung.

Tại buổi họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, đêm qua (20-10),bão Saudel đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Hiện bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. So với các cơn bão đã xảy ra trong năm 2020, bão số 8 có phạm vi ảnh hưởng tương đối rộng.

Trong 3, 4 ngày tới, bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố từ khu vực Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ; cường độ của bão mạnh nhất đạt cấp 11, 12, giật cấp 15 khi di chuyển đến gần quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, khi vào đất liền, bão có khả năng giảm cấp, chỉ còn cấp 8, cấp 9.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa có thể đạt 200-300mm/đợt; thời gian xảy ra mưa lớn trên đất liền có khả năng bắt đầu từ đêm 24 và ngày 25-10. Các tỉnh, thành phố miền Trung vẫn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Về công tác ứng phó, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, thực hiện công tác chỉ đạo, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 phương tiện, tàu thuyền với 263.044 lao động hoạt động trên biển di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn cảnh báo bão, mưa lũ cho 25,8 triệu thuê bao thuộc các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão… Bộ Quốc phòng đã điều động hơn 678.000 người và hơn 3.000 phương tiện phối hợp với các địa phương triển khai các phương án ứng phó với bão số 8, khắc phục hậu quả thiên tai…

Tính đến sáng nay, thiên tai đã làm 111 người chết, 22 người mất tích; 371ha lúa và 7.126ha hoa màu bị ngập, hư hại, 5.876 gia súc và 685.225 gia cầm bị chết và cuốn trôi… Tỉnh Hà Tĩnh còn 26.171 hộ thuộc địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh và Vũ Quang bị úng ngập. Tại tỉnh Quảng Bình còn 98.398 hộ thuộc địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, Ba Đồn, Đồng Hới và Quảng Trạch bị ngập…

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng mặc dù còn xa đất liền nhưng bão số 8 đang gây nguy hiểm cho các tàu thuyền và phương tiện hoạt động trên biển. Vì vậy, ngay sau cuộc họp này, các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan khí tượng thủy văn công bố phạm vi ảnh hưởng của bão để các tàu thuyền chủ động di chuyển, vòng tránh. Các địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm; trong đó đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn cho các tàu vãng lai, tàu vận tải...

Ngoài bảo đảm an toàn trên biển, các tỉnh, thành phố miền Trung đặc biệt lưu ý phương án ngừa, ứng phó khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên đất liền…

Kết luận chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt ứng phó nhưng thiên tai những ngày vừa qua đã gây ra thiệt hại rất lớn tại các tỉnh, thành phố miền Trung. Vì vậy, nhiệm vụ số 1 hiện nay là tập trung cứu trợ người dân, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh về lương thực, nhu yếu phẩm…

"Các bộ, ngành liên quan phải bám sát, xem dân thiếu cái gì thì hỗ trợ kịp thời thứ đó”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cụ thể hơn, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT xem xét có thể hỗ trợ thêm người dân vùng đang ngập lụt các thực phẩm ăn nhanh như xúc xích, bảo đảm tới tay người dân vì hiện nay, người dân chủ yếu có mì tôm. Hàng cứu trợ phải tập trung do chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp nhận, tổ chức phân phối. Các lực lượng có thể sử dụng trực thăng để kiểm tra và thực hiện công tác cứu trợ…

Về công tác ứng phó với cơn bão số 8, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án bảo đảm an toàn trên biển. Bên cạnh đó, các địa phương có liên quan phải xây dựng phương án ứng phó trên đất liền: Chuẩn bị lực lượng, phương tiện và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân ở nơi có khả năng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất…; rà soát, kiểm tra, sẵn sàng triển khai các phương án bảo đảm an toàn hồ, đập.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo chính xác diễn biến của bão để phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó với bão…

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/981469/tap-trung-cuu-tro-ung-pho-voi-bao-so-8