Tập trung cứu trợ người dân vùng lũ và ứng phó bão số 8

Ở thời điểm này, miền Trung không còn mưa lớn, nước lũ đang rút dần. Người dân tại các khu vực hết ngập đang dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Biên phòng đang phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác khẩn trương cứu trợ lương thực, thực phẩm cho người dân những khu vực vẫn còn bị ngập nước, chia cắt. Đồng thời, chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 8.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình vận chuyển lương thực, hàng cứu trợ tới nhân dân xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Minh Toàn

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình vận chuyển lương thực, hàng cứu trợ tới nhân dân xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Minh Toàn

Khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 21-10, chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 8 và mưa lũ miền Trung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là tập trung tiếp cận, cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lũ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, bằng mọi biện pháp phải tiếp cận, cung cấp trực tiếp lương thực, thực phẩm, nước uống, chất đốt, thuốc y tế và các nhu yếu phẩm khác cho người dân vùng ngập lũ với phương châm không để người dân bị đói, rét, ốm đau không được chữa bệnh. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm xác định cụ thể đối tượng cần cứu trợ, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ để điều phối, phân phối hàng cứu trợ, đảm bảo công tác cứu trợ kịp thời đến tất cả các đối tượng cần cứu trợ, trong đó lưu ý không để sót những hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, hộ dân cư đơn lẻ.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, BĐBP các tỉnh miền Trung đã trực tiếp bám nắm địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương vận chuyển hàng hỗ trợ tới người dân, đặc biệt là ở những khu vực ngập sâu, khó tiếp cận.

Suốt từ đợt mưa lũ đầu tiên (ngày 6-10) đến nay, BĐBP Quảng Bình đã triển khai 942 lượt CBCS giúp đỡ nhân dân ứng phó với mưa lũ. Chỉ tính riêng ngày 21-10, BĐBP Quảng Bình đã triển khai 44 tổ/167 CBCS sửa chữa các điểm sạt lở, hỗ trợ nhu yếu phẩm, nước uống cho người dân. Hiện, BĐBP Quảng Bình tiếp tục triển khai 30 CBCS, 3 xe tải, 2 xuồng vận chuyển các nhu yếu phẩm, quần áo, thuốc đến các vùng ngập lụt sâu, chia cắt dài ngày để hỗ trợ người dân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tuyến biên giới đất liền rà soát vị trí đóng quân, kịp thời phát hiện dấu hiệu có nguy cơ sạt lở đất đá để di dời CBCS, cơ sở vật chất, trang bị đến vị trí an toàn; đặc biệt các trạm, tổ công tác, tổ chốt phòng chống dịch Covid-19.

Tại Hà Tĩnh, ngày 22-10, trời không còn mưa, nước bắt đầu rút dần, tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn ngập nước. BĐBP Hà Tĩnh vẫn tiếp tục duy trì 125 CBCS giúp đỡ nhân dân tại các vùng ngập lụt, đồng thời, phối hợp với các tổ chức thiện nguyện phân phát hàng cứu trợ đến các gia đình khó khăn. BĐBP Hà Tĩnh cũng duy trì 5 ca nô với 15 CBCS tham gia vận chuyển hàng cứu trợ.

Đến chiều ngày 21-10, trên địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị đã giảm mưa, nước tại các sông suối đang rút dần. Các đơn vị đã triển khai 35 tổ/270 CBCS xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Hiện, trên khu vực biên giới Quảng Trị vẫn còn một số thôn, bản bị cô lập do nước lũ và sạt lở đất chưa khắc phục được. BĐBP Quảng Trị vẫn tiếp tục bám địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương cứu trợ lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực này.

Chuẩn bị mọi mặt để ứng phó với bão số 8

Bão số 8 đang trong quá trình mạnh lên và được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh, vùng ảnh hưởng rộng. Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội. Nguy cơ rủi ro rất cao với các tàu thuyền hoạt động trên biển. Các đơn vị BĐBP đang tích cực hướng dẫn toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Tính đến 6 giờ ngày 22-10, các đơn vị BĐBP đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu/289.299 lao động biết về bão số 8 để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó có 19 phương tiện/187 lao động đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa.

Lực lượng cứu hộ BĐBP Hà Tĩnh tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các hộ dân vùng lũ xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Toàn Giang

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 3.957 phương tiện với gần 15.000 lao động đã tránh trú an toàn tại các bến bãi. Để ứng phó với bão số 8, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương rà soát các khu vực trọng yếu, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sóng biển dâng cao và có các phương án sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát lại toàn bộ hệ thống doanh trại và các tổ, chốt, đội, trạm công tác nhỏ lẻ, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt... để có biện pháp di dời người, thiết bị, tài sản, tài liệu đến các vị trí đảm bảo an toàn. Duy trì nghiêm chế độ tuần tra, canh gác tại đơn vị để kịp thời phát hiện, cảnh báo các hiện tượng bất thường.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 6.564 tàu cá và 32 tàu hàng các loại đang neo đậu tại cảng Hòn La và cảng Gianh đều đảm bảo an toàn. BĐBP Quảng Bình đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả đợt mưa lũ và tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với mưa bão số 8.

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Thuận triển khai lực lượng sẵn sàng cơ động gồm 130 đồng chí, 58 phương tiện các loại và chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ tàu thuyền đang hoạt động trên biển, rà soát, bổ sung các phương án phòng, chống mưa lũ, ngập lụt, sạt lở... Đồng thời gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn kho tàng, doanh trại, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Trong đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, Hải đội 2 chuẩn bị đầy đủ kíp tàu thường trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Đến hết ngày 21-10, BĐBP Bình Thuận đã thông báo cho hơn 7.300 tàu thuyền, trong đó có 1.889 tàu/hơn 12.000 lao động đang hoạt động trên biển và 113 phương tiện nội thủy neo đậu tại các bến cảng cùng với 260 lao động đang ở trên 94 lồng bè nuôi trồng thủy sản biết thông tin về bão số 8 để chủ động tránh trú an toàn.

Tỉnh Thừa Thiên Huế được dự báo có khả năng cao chịu ảnh hưởng của bão số 8, trong khi địa phương này vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, do đó sẽ có nguy cơ rất cao về ngập úng, sạt lở đất. Do đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã thành lập 1 đoàn công tác đi kiểm tra, rà soát vị trí đứng chân của các đơn vị, phát hiện các sự cố, dấu hiệu bất thường có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao để kịp thời gia cố đảm bảo an toàn cho CBCS và nhân dân và có phương án di dời nếu xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, BĐBP Thừa Thiên Huế tiếp tục điều động 85 CBCS với 3 phương tiện tham gia chống sạt lở bờ biển, bờ kè tại huyện Phong Điền và Phú Vang; đồng thời, duy trì 720 CBCS với 46 phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tap-trung-cuu-tro-nguoi-dan-vung-lu-va-ung-pho-bao-so-8-post434388.html