Tập trung chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày hôm nay (3-1), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục có rét đậm, rét hại.

Nông dân xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp để tránh rét. Ảnh: KIM THOA

Nông dân xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp để tránh rét. Ảnh: KIM THOA

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày hôm nay (3-1), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục có rét đậm, rét hại.

Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối, nhiệt độ có nơi dưới 2 độ C. Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trời lạnh. Trên biển, khu vực giữa và nam Biển Ðông có mưa rào và dông.

Ngày 2-1, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT), đến sáng 2-1, sự cố rò rỉ đường ống nước tại thủy điện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã cơ bản được kiểm soát. Trước đó, sáng 1-1, Nhà máy thủy điện A Lưới phát hiện sự cố rò rỉ nước từ đường hầm tại cao trình 177 trên mái ta-luy chính diện nhà máy, lưu lượng khoảng từ 3 đến 5 m3/giây, nước chảy tràn xuống nhà máy, ngập sân nhà máy khoảng 30 cm, kéo theo bùn đất và đá khiến nhà máy phải ngừng phát điện.

Ngày 2-1, nhiệt độ tại một số nơi ở huyện Mộc Châu (Sơn La) giảm còn 1°C khiến rét buốt và xuất hiện sương muối, băng giá. Tại nhiều tiểu khu của thị trấn nông trường Mộc Châu, một số diện tích rau màu bị đóng băng, ảnh hưởng đến năng suất.

Nhiệt độ xuống thấp, người dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã chủ động đưa đàn trâu, bò xuống vùng thấp để tránh rét. Ðến thời điểm này, người dân của các xã: Trung Chải, Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn và phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa đã di chuyển hơn 4.000 con trâu, bò đến các xã vùng thấp của huyện Bát Xát và TP Lào Cai tránh rét. UBND thị xã Sa Pa yêu cầu các xã, phường rà soát, thống kê số hộ, đăng ký số lượng gia súc di chuyển tránh rét và nơi gia súc chuyển đến để có phương án quản lý.

Mùa khô 2019-2020, tỉnh Trà Vinh thiệt hại gần 22 nghìn héc-ta lúa do hạn mặn, gần 300 ha cây ăn trái, hơn 11.550 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt, tổng giá trị thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Ðể hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra, hiện tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2021 trên địa bàn, nhất là cung cấp cho vụ đông xuân, hè thu, nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa - tôm. Theo đó, các đơn vị chức năng của ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức quản lý, kiểm soát, vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No, điều tiết nguồn nước bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất…

Tỉnh Quảng Bình vừa quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ thuộc dự án tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam. Theo đó, tỉnh phân bổ 1,850 tỷ đồng, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà tránh bão, lũ, ở các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Ðồn.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tap-trung-chong-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi-630501/