Tập trung chống hạn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, giá trị tia cực tím cực đại trong ngày 14-3 có thể tăng nhẹ ở các tỉnh, thành phố phía bắc lên mức 6-7, tương ứng với nguy cơ gây hại cao.

Lấy mẫu quan trắc chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: CTV

Lấy mẫu quan trắc chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: CTV

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, giá trị tia cực tím cực đại trong ngày 14-3 có thể tăng nhẹ ở các tỉnh, thành phố phía bắc lên mức 6-7, tương ứng với nguy cơ gây hại cao.

Từ ngày 15-3 trở đi, do chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây phát triển và mở rộng, tại một số địa phương khu tây bắc Bắc Bộ khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35oC đến 37oC. Nắng nóng sẽ mở rộng ra một số nơi khác vùng lân cận và kéo dài trong nhiều ngày, nhiệt độ tiếp tục tăng nhẹ. Các tỉnh Nam Bộ tiếp tục gia tăng nắng nóng, đặc biệt Đông Nam Bộ vừa khô, vừa nóng với nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể lên đến 39oC. Người dân cần áp dụng các biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người, cây trồng, vật nuôi trong thời tiết nắng nóng.

* Để giám sát chất lượng nước hồ Tả Trạch và khu vực hạ du, phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp cho tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Khoa học thủy lợi miền trung và Tây Nguyên đã lấy mẫu nước tại 17 điểm quan trắc và 14 chỉ tiêu phân tích nước. Kết quả cho thấy, chất lượng nước tại hầu hết các vị trí quan trắc tốt và bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất.

* Tỉnh Ninh Thuận hiện có 21 hồ chứa nước vừa và nhỏ với tổng dung tích thiết kế 194 triệu m3. Tuy nhiên do chưa có các hồ chứa đủ lớn để tích nước, nên vào mùa khô hằng năm, các hồ chứa chỉ còn lại khoảng 12,3% dung tích thiết kế, trong đó có đến 11 hồ cạn trơ đáy không đáp ứng được nhu cầu dùng nước của địa phương, dẫn đến thường xuyên xảy ra hạn, thiếu nước.

* Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết; tính toán cân bằng nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước của các cụm công trình đầu mối (hồ chứa, đập dâng, trạm bơm...) trong cả mùa khô năm 2021 nhằm bảo đảm vận hành, điều tiết, phân phối, sử dụng nước tiết kiệm trong vụ đông xuân và đủ nước phục vụ sản xuất vụ hè thu.

* Tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến diện tích cây trồng vụ đông xuân. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng.

* Nhận định mùa khô năm 2021 trên địa bàn Long An diễn biến phức tạp và bất thường, nắng nóng, khô hạn diễn ra trên diện rộng, thời gian kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường, chủ động trong phòng, chống cháy rừng.

* Tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương khắc phục, sắp xếp dân cư miền núi, tạo cuộc sống ổn định cho người dân. Trong đó, ưu tiên công tác bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên; phát triển sinh kế của đồng bào dựa vào đặc điểm của từng địa bàn cụ thể. Đây cũng là vấn đề được tỉnh đề ra trong chiến lược 10 năm tới để phát triển kinh tế bền vững khu vực miền núi.

* Nhiều diện tích tôm thẻ chân trắng lót bạt của người dân các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chết hàng loạt khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân xử lý bằng hóa chất Sodium Chloride đã cấp cho địa phương. Đồng thời hướng dẫn người dân nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, tôm chết, cần báo cáo với chính quyền lấy mẫu kiểm tra xử lý kịp thời, tránh lây lan diện rộng.

* Để ứng phó hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã khẩn trương triển khai các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Đến nay, dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; cùng một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP Bến Tre.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tap-trung-chong-han-bao-ve-san-xuat-nong-nghiep-638385/