Tập trung chống buôn lậu xăng dầu góp phần bình ổn thị trường

Trước bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng cao, để kiểm soát thị trường trong nước, các lực lượng đã và đang có những kế hoạch đấu tranh quyết liệt trong chống buôn lậu xăng dầu. Vừa qua, một số vụ việc buôn lậu xăng dầu lớn đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và khởi tố hình sự.

Theo Tổng cục Hải quan, thủ đoạn buôn lậu xăng dầu phổ biến hiện nay là tự ý phá niêm phong hải quan, chuyển hàng qua phương tiện khác; gom dầu thừa từ các lần cung ứng cho tàu biển để tiêu thụ; dầu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Đơn cử, vào cuối tháng 2/2022, tổ công tác thuộc kiểm soát trên biển khu vực miền Nam (Hải đội 3) phối hợp với Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), Đội 9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP Hồ Chí Minh) và Trạm Biên phòng cửa khẩu Phú Mỹ thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Sài Gòn đã tiến hành khám xét theo thủ tục hành chính đối với các tàu: Tấn Hào SG-9231, Phúc Thọ SG-3190, Phúc Lộc SG-6148 và boong tông không biển kiểm soát của Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Phúc Thọ (Công ty Phúc Thọ).

Lực lượng chức năng bắt giữ tàu chở xăng dầu bất hợp pháp trên biển.

Lực lượng chức năng bắt giữ tàu chở xăng dầu bất hợp pháp trên biển.

Từ kết quả kiểm tra, khám xét, mở rộng điều tra, xác minh, Hải đội 3 phát hiện, tang vật trên tàu Phúc Thọ SG-3190 có số lượng là 6,067m3 dầu FO và 1,482m3 dầu DO. Theo lời khai của các đối tượng liên quan, đây là số dầu thừa ra trong các lần đi giao hàng cung ứng cho tàu biển. Thuyền trưởng tàu SG-3190 cũng như đại diện Công ty Phúc Thọ đều không cung cấp được hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng này.

Tương tự, cơ quan hải quan xác định, tang vật trên tàu Tấn Hào SG-9231 có số lượng là 119,116m3 dầu DO chứa trong hầm 3 và hầm 4 có hồ sơ không phù hợp với lô hàng. Đáng chú ý, tàu Phúc Lộc SG-6148 vận chuyển lô hàng là 78,472 tấn dầu DO thuộc tờ khai 304554979651/G21 ngày 23/2/2022 là số hàng chịu sự giám sát của cơ quan hải quan nhưng không còn trên tàu. Cơ quan hải quan xác định, các đối tượng tự ý phá niêm phong hải quan chuyển số hàng trên qua phương tiện khác, có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Tang vật trên boong tông không biển kiểm soát có số lượng là 37,365m3 dầu DO thuộc sở hữu của Công ty Phúc Thọ. Theo khai báo của các đối tượng, nguồn gốc số hàng hóa này có được do hốt vét từ các tàu của Công ty Phúc Thọ trong những lần đi cung ứng nhiên liệu cho tàu biển. Tổ công tác xác định đây là hàng tạm nhập tái xuất nhưng không cấp hết mà các đối tượng tự ý thu gom để tiêu thụ nội địa. Người quản lý boong tông cũng như Công ty Phúc Thọ không cung cấp được hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng này.

Ngoài vụ việc nêu trên, hiện cơ quan Công an cũng đang điều tra nhiều vụ buôn lậu xăng dầu do Hải đội 3 chủ trì bắt giữ trong thời gian qua, như: Vụ bắt giữ tàu TG-92233-TS vận chuyển 148.875 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 2 tỷ đồng. Vụ việc này đã được Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố hình sự, chuyển Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra theo thẩm quyền; vụ bắt giữ tàu gỗ TG-91133-TS vận chuyển 45.885 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 600 triệu đồng. Vụ việc này đã được Viện KSND Tối cao ban hành Quyết định chuyển vụ án hình sự cho Công an Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra theo thẩm quyền.

Thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, phía Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 các địa phương đều đồng loạt yêu cầu tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, giám sát phát hiện, kiến nghị, đề xuất các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, dung túng, bao che, tiếp tay.

Để tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu, Tổng cục Hải quan đã “phát lệnh” yêu cầu toàn ngành tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu. Theo đó, yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp thanh tra, kiểm tra, điều tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh xăng dầu.

Trong đó đặc biệt tập trung vào xây dựng kế hoạch triển khai công tác nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên tất cả các tuyến, đặc biệt các cửa khẩu đường bộ, đường biển và vùng biển. Thu thập thông tin, cập nhật tình hình biến động giá xăng dầu nhằm hỗ trợ công tác thông quan hàng hóa kịp thời, đúng quy định, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế. Đồng thời, trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng dầu, với các lực lượng chức năng chống buôn lậu như: Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển, QLTT và chính quyền các địa phương.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/tap-trung-chong-buon-lau-xang-dau-gop-phan-binh-on-thi-truong-i653702/