Tập trung chất vấn hai vấn đề nóng

Chiều 6-12, Hội đồng nhân dân (HÐND) TP Hà Nội tập trung chất vấn các ủy viên UBND thành phố về hai nội dung gồm: kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Ðất đai. Hai nội dung này được HÐND giám sát và tổ chức giải trình trong năm 2018, dù đã có chuyển biến, song vẫn cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa của sở, ngành, quận, huyện...

Ðại biểu HÐND thành phố phát biểu ý kiến tại phiên chất vấn. Ảnh: DUY LINH

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị, đồng thời tiến hành chuyển đổi mô hình chợ, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đô thị, tác động trực tiếp tới cuộc sống và quyền lợi của cử tri, cho nên tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, thành phố xác định công tác giải quyết KNTC của công dân là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành. Thành phố đã tăng cường công tác tiếp dân, chú trọng tổ chức đối thoại, cho nên tỷ lệ thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2018, thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 4.899 vụ KNTC, đã giải quyết 4.168 vụ, đạt tỷ lệ 85,7%. Số vụ việc còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Qua giải quyết KNTC, toàn thành phố đã kiến nghị thu hồi hơn 2.700 tỷ đồng, hơn 3.600 m2 đất; trả cho công dân hơn 3,2 tỷ đồng và hơn 2.400 m2 đất. Thành phố đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể, 55 cá nhân để xảy ra sai phạm, chuyển cơ quan điều tra bốn vụ.

Ghi nhận công tác giải quyết KNTC có chuyển biến tốt, đạt tỷ lệ cao, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, nhiều vụ việc tuy đã có quyết định giải quyết nhưng vẫn kéo dài nhiều năm. Phải chăng công tác phối hợp của các sở, ngành trong việc giải quyết các vụ việc chưa thông suốt? Thừa nhận sự phối, kết hợp giữa các sở, ngành trong công tác giải quyết KNTC chưa tốt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, sự buông lỏng quản lý ở các địa phương, việc không thực hiện nghiêm các kết luận giải quyết KNTC đã dẫn đến khiếu nại kéo dài. Chẳng hạn, ở huyện Phú Xuyên, việc giao đất trái thẩm quyền với 13 hộ dân thì đương nhiên phải thu hồi, thành phố ra quyết định yêu cầu thu hồi, nhưng thực tế huyện đã cấp sổ đỏ cho 13 hộ này, người dân đã xây nhà, trong 13 hộ thì 7 hộ đã bán, một hộ bán 1 phần, vì thế việc xử lý trên thực tế là rất khó. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo nếu không được giải quyết dứt điểm có thể trở thành điểm nóng. Ðể giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo và báo cáo UBND thành phố các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Thanh tra thành phố có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả lên UBND thành phố. Các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố để giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Tháng 11, Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội đã công bố danh sách 16 dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai, vi phạm Luật Ðất đai trên địa bàn. Số dự án này được lập từ việc rà soát 39 dự án dừng triển khai, chậm triển khai từng được đề cập trong phiên giải trình của HÐND thành phố. Kết quả này ghi nhận sự cố gắng của chính quyền các cấp trong quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND thành phố, trong quá trình triển khai thu hồi, phần lớn các đối tượng sử dụng đất bị thu hồi không hợp tác với các cơ quan chức năng, đơn vị được giao đất trong công tác kê khai kiểm đếm, đo vẽ hiện trạng, không phối hợp cung cấp tài liệu hồ sơ, không bàn giao đất và nhà xưởng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Ðông cho biết: sau đợt giám sát và phiên giải trình của UBND thành phố, các sở, ngành đã tích cực triển khai công việc. Ðến nay, đã thanh tra được 280 dự án; đã có quyết định thu hồi đất 6 dự án; báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra 4 dự án; đang hoàn thiện báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra, kiểm tra đối với 186 dự án.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, sau khi HÐND thành phố ra nghị quyết và UBND thành phố tích cực vào cuộc, các doanh nghiệp, đơn vị trong sử dụng đất có ý thức, trách nhiệm hơn, tạo chuyển biến chung toàn xã hội, tạo động lực phát triển. Ðồng thời thành phố xác định đây là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp để xem xét, tháo gỡ, tìm mọi cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án tốt nhất; đồng thời cương quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư cố tình vi phạm, cố tình trì hoãn. UBND thành phố cũng chỉ đạo và Sở Quy hoạch - Kiến trúc cam kết trong quý I - 2019, tất cả dự án chậm triển khai với lý do chờ quy hoạch sẽ được giải quyết dứt điểm. Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo trong quý II - 2019 sẽ thanh tra dứt điểm và rà soát phân loại đối với 161 dự án trong số 383 dự án chậm triển khai có dấu hiệu vi phạm.

Dù thời gian không nhiều, song phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HÐND thành phố Hà Nội đã làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung mà cử tri quan tâm. Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thể hiện sự nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm; đại biểu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm, người trả lời chất vấn rõ ràng, cụ thể, trong đó thể hiện rõ trách nhiệm, rõ địa chỉ và mốc thời gian giải quyết. Ðiểm mới của chất vấn tại kỳ họp này là lựa chọn nội dung đã được HÐND giám sát, giải trình gắn với việc chất vấn làm rõ vướng mắc, các giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38493202-tap-trung-chat-van-hai-van-de-nong.html