Tập trung chăm sóc lúa trước kỳ thu hoạch

Hiện nay, diện tích lúa trà sớm đang trong giai đoạn chín sáp, chín hoàn toàn, trà chính vụ trong giai đoạn phơi màu, chín sữa, trà muộn đang trong giai đoạn ôm đòng, trỗ bông, với diện tích trỗ 112.279,9ha/118.885,6 ha, đạt 94,4% diện tích gieo cấy.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quan Sơn kiểm tra tình hình sâu, bệnh trên lúa giai đoạn cuối vụ. Ảnh: Hương Thơm

Tuy nhiên, hiện trên một số diện tích lúa xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ phổ biến 100 - 350 con/m2, cao 400 - 1.000 con/m2, cục bộ 3.000 con/m2, tổng diện tích nhiễm hơn 36 ha, phân bố tại 14 huyện, thị xã, thành phố. Bệnh đạo ôn cổ bông tỷ lệ hại phổ biến 1 - 4%, cao 2 - 10%, cục bộ 60%. Bệnh khô vằn tỷ lệ hại phổ biến 5 - 20%, cao 40 - 60%, cục bộ 70%, diện tích nhiễm 436,6 ha, phân bố tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại nhẹ đến trung bình tại các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thường Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Quảng Xương và TP Thanh Hóa, tỷ lệ hại phổ biến 2 - 5%, cao 14 - 22,5%, cục bộ 32 - 37,5%, diện tích nhiễm khoảng 20 ha...

Lúa thời kỳ cuối vụ là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng toàn vụ. Vì vậy, để giành thắng lợi toàn diện về năng suất, sản lượng và chất lượng trong vụ chiêm xuân, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tập trung tuyên truyền, chỉ đạo, khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh, để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với diện tích có tỷ lệ nhiễm vượt ngưỡng, cần thực hiện các biện pháp phòng, trừ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tap-trung-cham-soc-lua-truoc-ky-thu-hoach/100197.htm