Tập trung cao độ cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm

Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1279/SCT-QLTM về rà soát, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Sở Công Thương cho biết, theo phản ánh của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và các cơ quan thông tấn báo chí, tại tỉnh Bình Dương xảy ra các trường hợp bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc Botulinum do sử dụng sản phẩm pate chay, trong đó, có 1 trường hợp đã tử vong.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc thực phẩm chay nói riêng, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền về bảo đảm chất lượng, ATTP đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tuyên truyền đến người tiêu dùng không lựa chọn mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, sản phẩm có dấu hiệu hư hỏng...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ mắm...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói...), trong đó, có thực phẩm chay.

Sở Công Thương đề nghị các cơ sở kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công Thương: Tuân thủ đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm theo quy định hiện hành của pháp luật; bảo đảm điều kiện chung về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ để kinh doanh; Chỉ kinh doanh sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng; chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh phải được khám sức khỏe định kỳ theo quy định; người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được tập huấn kiến thức về ATTP và được chủ cơ sở xác nhận; kiểm soát chặt chẽ chất lượng và lưu trữ đầy đủ hồ sơ nguồn gốc xuất xứ, của toàn bộ sản phẩm thực phẩm hiện đang kinh doanh tại cơ sở, trong đó, có thực phẩm chay, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men, bảo quản trong môi trường yếm khí...

Đồng thời, thường xuyên rà soát các sản phẩm thực phẩm kinh doanh, không bán ra thị trường các sản phẩm có dấu hiệu hư hỏng, không bảo đảm chất lượng đặc biệt là các sản phẩm đóng hộp đã bị phồng, bẹp, biến dạng, không còn nguyên vẹn... Trường hợp phát hiện sản phẩm kinh doanh không bảo đảm an toàn, kịp thời thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định.

HP

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tap-trung-cao-do-cho-cong-tac-bao-dam-an-toan-thuc-pham-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-233436.html