Tập trung các giải pháp kéo giảm tội phạm

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong công tác phòng, chống tội phạm...

Bên lề Hội nghị Công an toàn quốc, ngày 4-1, Đại tá Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết: Năm 2018, Cục Cảnh sát hình sự đã hoàn thành tốt các mặt công tác Công an. Đặc biệt đã trực tiếp và phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương điều tra, khám phá nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, như: vụ sát hại 2 vợ chồng ở TP Hưng Yên; vụ bắt giữ nhóm tội phạm người Trung Quốc đột nhập vào các công sở, trộm cắp tài sản trong két sắt; vụ triệt phá băng nhóm “tín dụng đen” có chi nhánh tại 26 tỉnh, thành phố…

Năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ phối hợp Công an các địa phương tập trung vào các giải pháp nhằm mục tiêu kéo giảm tội phạm theo Nghị quyết số 11 ngày 29/12/2018 của Đảng ủy Công an Trung ương là “năm 2019 làm giảm tội phạm hình sự 3%, đến năm 2020 giảm 5%".

Trước hết, sẽ tập trung triển khai các biện pháp nhằm kéo giảm 3 loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự (trộm cắp tải sản; cố ý gây thương tích; đánh bạc); kìm chế sự gia tăng cùa 3 loại tội phạm tăng trong năm 2018 (giết người; cố ý gây thương tích; lừa đảo) và làm giảm số vụ phạm pháp hình sự tại 5 địa phương có số vụ phạm pháp hình sự cao (TP Hà Nội; TP Hồ Chí Minh; Nghệ An; Thanh Hóa; Đồng Nai); đồng thời tập trung điều tra, trấn áp các băng nhóm tội phạm hoạt động gây án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và khám phá nhanh các vụ trọng án; truy bắt đối tượng truy nã.

Để thực hiện được mục tiêu này, lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong công tác phòng, chống tội phạm.

Liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó tập trung trấn áp mạnh với các loại tội phạm: Trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, đánh bạc vả tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, các băng nhóm liên quan đến “tín dụng đen”, bảo kê các hoạt động kinh doanh có phát sinh lợi nhuận cao; không để tồn tại các điểm, tụ điểm đánh bạc lớn, có đông đối tượng tham gia, các băng nhóm tội phạm hoạt động dài ngày không bị triệt phá.

Chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản phải được nâng cao thực chất và tạo thành khâu đột phá trong công tác phòng, chống tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tập trung vào những loại tội phạm tăng và những địa phương có số vụ phạm pháp hình sự cao.

Lực lượng Cảnh sát hình sự chủ động phối hợp với các lực lượng: Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát quản lý hành chính, Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã để quản lý chặt các đối tượng hình sự trọng điểm, số thanh thiếu niên hư, tụ tập gây rối trật tự công cộng, côn đồ, tàng trữ vũ khí trái phép; các đối tượng nghiện ma túy, “ngáo đá”, tâm thần, đối tượng cờ bạc. Quan điểm là xử lý ngay khi các băng nhóm tội phạm mới manh nha hình thành với chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe tội phạm.

Chủ động nắm và dự báo chính xác về tình hình, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm, nhất là những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, để có giải pháp hữu hiệu phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết nhanh, dứt điểm những vấn đề phức tạp về hình sự nổi lên.

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và các vụ việc gây bức xúc trong xã hội để kịp thời có hướng chỉ đạo, phối hợp giải quyết.

Đề xuất lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều luật cho phù hợp thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; chỉ đạo các bộ, ngành, rà soát, đánh giá các quy định chưa phù hợp, thiếu chặt chẽ của pháp luật, nhất là trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự để sửa đổi, bổ sung những nội dung còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn.

Ví dụ: về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán súng tự chế; hành vi mua bán thai nhi; trộm cắp tải sản chưa đạt hoặc dưới 2 triệu đồng...; việc lập hồ sơ đưa người vào Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên số lượng đưa vào hiện còn thấp …

Trong khi triển khai các giải pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang, phục kích của lực lượng trinh sát để kịp thời phát hiện, ngăn chận, bắt giữ tội phạm.

Quản lý chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng (như quản lý thị trường, văn hóa...) kiểm tra hành chính đối với các cơ sở, ngành nghề mà đối tượng thường lợi dụng để hoạt động phạm tội, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có hoặc tiếp tay cho hành vi phạm tội như: cầm đồ, mua bán đồ cũ, quán bar, karaoke...

Yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Tiến hành điều tra cơ bản các loại tội phạm họạt dộng trên không gian mạng, nhất là tội phạm sử dụng mạng Internet để tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, cho vay lãi nặng.

Kiến nghị với Bộ Thông tin và truyền thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với các máy điện thoại là vật chứng trong các vụ trộm cắp, cướp, cướp giật nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có; ngừng cung cấp dịch vụ với các IP có tài liệu xác định dùng để đánh bạc, hoạt động tín dụng đen hoặc các hành vi phạm tội khác

Đẩy nhanh chủ trương bố trí, sắp xếp Công an xã chính quy; Công an cấp cơ sở (phường, thị trấn, xã), tăng cường tiếp xúc, trao đổi, tương tác với nhân dân để nắm chắc tình hình tại địa bàn, đảm bảo các thông tin, vụ việc ban đầu phải được giải quyết, xử lý ngay tại cơ sở.

Nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự.

Nhật Quang

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tap-trung-cac-giai-phap-keo-giam-toi-pham-527763/