Tập trận Trident Juncture 18 của NATO: Hai mục tiêu

Ở Nauy, từ ngày 25.10 đến 23.11.2018 diễn ra cuộc tập trận với tên gọi là Trident Juncture 18 (Liên kết Đinh ba) của NATO. Theo thông tin chính thức của NATO, tham gia cuộc tập trận này có 50.000 binh lính, 10.000 xe tăng và xe quân sự, 250 máy bay và 65 tàu chiến.

Chiến hạm Canada tham gia cuộc tập trận Liên kết Đinh ba 2018 của NATO. Ảnh: NATO

Tập trận lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh

Phạm vi địa lý của cuộc tập trận này bao gồm vùng lãnh thổ miền Trung và miền Đông của Na Uy, Biển Bắc, Iceland và cả không phận của Phần Lan và Thụy Điển. Hai nước này không phải là thành viên NATO, nhưng là đối tác hợp tác của NATO.

Mục đích của cuộc tập trận này như NATO chính thức công bố là tập dượt cho trường hợp giả tưởng “Na Uy bị tấn công”, tức là trường hợp kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO với nội dung cơ bản là cả liên minh quân sự có nghĩa vụ hợp sức bảo vệ thành viên bị tấn công. Cụ thể ở đây là giả sử Na Uy bị tấn công thì NATO sẽ triển khai lực lượng như thế nào để trợ giúp thành viên NATO này.

Giới chức NATO quả quyết cuộc tập trận chỉ là “tập trận” và không nhằm cụ thể vào ai. Nhưng chỉ riêng sự lựa chọn địa điểm của cuộc tập trận và mục đích cuộc tập trận như thế cũng đã đủ để cho thấy NATO ám chỉ Nga.

Trong lịch sử NATO, cuộc tập trận này không phải là lớn nhất, nhưng ở thời sau cuộc Chiến tranh Lạnh thì nó là cuộc tập trận lớn nhất cho tới nay của NATO. Phía Nga coi cuộc tập trận này của NATO là hành động “khiêu khích”.

Thật ra, Nga và NATO vẫn thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận. Mới đây thôi, Nga tiến hành cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay ở vùng lãnh thổ phía đông của Nga. Năm ngoái, Nga tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở phía tây với mục đích công khai là tập dượt ứng phó cho trường hợp cũng giả tưởng là bị bên ngoài tấn công.

Nghi ngại và phòng ngừa

Mối quan hệ giữa NATO và Nga càng căng thẳng thì việc bên này hay bên kia tập trận luôn là sự kiện bị gắn cho ngay mục đích và hàm ý chuẩn bị sẵn sàng đối phó nhau. Mức độ nghi ngại và phòng ngừa lẫn nhau càng tăng thì chuyện tập trận càng được tổ chức thường xuyên hơn và có tầm quan trọng càng lớn hơn đối với cả hai bên.

Răn đe Nga vì thế trong thực chất mới là một trong hai mục tiêu chính của cuộc tập trận này của NATO. Nga lo ngại sâu sắc như thế nào về những điều chỉnh chiến lược và chính sách của NATO đối với Nga thì NATO cũng như vậy về những bước triển khai chiến lược và hoạt động quân sự của Nga ở Châu Âu.

NATO không bỏ qua những động thái như Nga đã bố trí chiến lược lại ở vùng lãnh thổ phía tây giáp NATO và tăng cường hoạt động quân sự trên biển cũng như trên không ở vùng Biển Bắc. NATO cho rằng phải phô trương lực lượng, thể hiện khả năng và tiềm lực quân sự, sự đồng thuận nhất trí trong NATO thì ngăn cản được Nga đe dọa an ninh các nước thành viên NATO ở Châu Âu và ngăn ngừa được khả năng xảy ra đụng độ quân sự giữa Nga và NATO ở Châu Âu.

Với cuộc tập trận này, NATO muốn thể hiện cho Nga thấy NATO sẽ không bỏ rơi bất cứ thành viên nào của liên minh quân sự, có đủ khả năng về quân sự để đảm bảo an ninh cho thành viên và luôn sẵn sàng làm việc ấy.

Mục tiêu chính thứ hai là trấn an tâm thần của những thành viên NATO ở vùng láng giềng xung quanh Nga. Thời gian qua, những thành viên này thuộc diện “lớn tiếng” nhất trong việc phê phán Nga và thổi phồng mối đe dọa an ninh từ Nga. Trên lãnh thổ các thành viên này của NATO, NATO đã triển khai thêm lực lượng và khí tài quân sự bị Nga coi là đe dọa trực tiếp an ninh của Nga. NATO vừa trấn an các thành viên này vừa ngăn cản họ manh động trong đối phó Nga.

NGẠC NGƯ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/tap-tran-trident-juncture-18-cua-nato-hai-muc-tieu-638492.ldo