Tập tản văn mang vẻ đẹp của nỗi buồn

Tản văn, theo tôi gần với hồi ký. Đương nhiên tản văn bay bổng hơn, không nệ nhiều hoặc buộc phải tôn trọng sự thật như hồi ký và có thể viết về thời hiện tại.

Nhưng tản văn thế nào cũng lưu dấu trong nó những trải nghiệm, những việc đã qua của tác giả. Không ít thì nhiều, tôi tin thế. Niềm tin ấy càng xác quyết hơn khi đọc tập tản văn Tôi đã trở về trên núi cao(NXB Hội Nhà văn, 2018) của Trung tá, nhà văn Đỗ Bích Thúy (Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội).

Là thể loại không đòi hỏi quá nhiều ở kỹ thuật (điều rất cần thiết, quan trọng ở truyện ngắn, tiểu thuyết) nên đọc tản văn, với tôi, rất sướng vì không phải “căng ra” với mớ lý thuyết, trường phái, phương pháp… để tìm ra bản lai chân tướng nội dung-nghệ thuật của tác phẩm làm gì cho “nhọc óc, hại thân” mà chỉ việc lấy “hồn mình để hiểu hồn người” như ý của Hoài Thanh để mà cảm, mà “thụ hưởng” cho bằng hết những câu văn đầy mỹ cảm, những rung động, những phát hiện tinh tế của tác giả về cuộc đời, về con người. Tôi đọc Tôi đã trở về trên núi cao của Đỗ Bích Thúy trong tâm trạng như thế.

Khi gấp lại những trang cuối của tập tản văn này, ký ức tuổi thơ bỗng ùa về. Chính xác hơn, những ký ức đó được khơi lên từ những trang viết về tuổi thơ của tác giả. Tuổi thơ ấy không tập trung mà nằm rải rác trong các tản văn. Các nhân vật cũng vậy, cứ trở đi trở lại trong nhiều tản văn. Ở tản văn này, là nhân vật chính, được miêu tả kỹ lưỡng, nhưng ở tản văn khác chỉ được nhắc thoáng qua trong đôi câu. Đây là một cách viết khéo, tạo cho các tản văn có sự liên kết với nhau chứ không tản mạn, rời rạc. Và qua trang văn, tuổi thơ của tác giả hiện lên với đủ đầy những cung bậc cảm xúc, ở đó có những niềm vui nho nhỏ như đi thăm “cây bứa nằm trên đỉnh núi” giữa một buổi sớm lạnh của vùng núi, câu cá trèo đồi nơi con suối chảy qua nhà, có “ước mơ cháy bỏng” về cái áo bông dày khi đông sang cho bằng chúng bạn, có những suy nghĩ ngây ngô về cuộc đời và “linh tinh đến cái chết”, có tình bạn với bao buồn vui tuổi học trò vùng cao… Hóa ra tuổi thơ của con người, cơ bản đều giống nhau, từ một người sinh ra, lớn lên ở thung lũng “nhìn lên những dãy núi giăng bốn phía như tường thành thường thấy mịt mờ mây mù giăng kín” như Đỗ Bích Thúy hay nơi phố thị như tôi. Tôi cũng từng có những xúc cảm buồn vui tựa tác giả, đặc biệt là về “cái món” văn chương. Nếu Đỗ Bích Thúy say mê với những Chó hoang Dingo, với những tác phẩm của Andersen, Hugo… thì tôi cũng quên ăn quên ngủ với Tam Quốc, Thủy Hử, Tây du ký… cùng trước tác của Kim Dung, Cổ Long trên căn phòng xây tạm mái lợp prô-xi-măng-mà tôi tin chắc rằng độ “hot” cũng không kém căn gác áp mái “nóng nực và đầy chuột, gián, tắc kè” nơi Đỗ Bích Thúy cặm cụi viết những dòng đầu tiên trong đời văn của mình-trên nóc một căn biệt thự Pháp cũ ở phố Đội Cấn. Khác mỗi một điều, trong khi chị say mê viết tản văn thì tôi đắm đuối sáng tác… kiếm hiệp. Tiếc là không theo được nên phải bỏ ngang giữa chừng.

Bến dừng lắng đọng bóng thâu/ Đêm yên ắng… đêm thở sâu giấc nhoài/ Đi qua cơm áo một ngày/ Ngả lưng nằm xuống ngực đầy tiếng khua/ Nẻo trăng lên, cõi trăng về/ An nhiên như thể chưa hề long đong/ Ngửa lòng đón nhận sắc không/ Hiểu ra cát bụi cũng mong yên bình/ Soi đêm dọ dẫm u minh/ Thấy mình leo lét thấy tình lơ mơ/ May mà còn một chút thơ/ Vắt ngang khuya vệt bâng quơ phiêu bồng. (Nguyễn Liên Châu)

Tôi cảm thấy mình như đã hiểu hơn, thấm hơn bài Khoảng lặng kể trên khi đọc Tôi đã trở về trên núi cao. Hiểu hơn, thấm hơn vì tập tản văn buồn quá. Nỗi buồn lan từ tập tản văn làm tôi thêm một lần nữa chắc chắn rằng sức khỏe và sự bình yên là quý nhất với mỗi con người. Đừng dại mà đánh đổi hai thứ ấy lấy điều gì khác. Nhất quyết không. Tuyệt đối không. Nỗi buồn trong tập tản văn khá “đa dạng”. Nó là nỗi ngậm ngùi thương cảm cho số phận “hẩm hiu” của những người bạn tên G, như Hiền trong G., Nước mắt rơi trên bậu cửa. Người không may sinh ra trong một gia đình bất hạnh, bố nát rượu hay đánh đập vợ con, bản thân bị què một tay, rồi mất một đứa con; người tảo hôn lấy chồng sớm để cho “cái bóng nhỏ bé gầy gò” của bạn “đứng trong ô cửa nhìn theo” ám ảnh tác giả cho đến tận bây giờ. Nó đến từ những thất vọng không nói nên lời khi thấy con trai lừa bán cái trâu mà người mẹ già sắp khuất hết mực yêu quý trong Bà Đỉnh và những câu chuyện bịa tạc, từ những suy tư, lắng đọng về đời người kiểu như: “…trên đời này có những đàn ông không biết Yêu Thương là gì. Trái tim họ đã hoai mục vì một điều tồi tệ nào đó” (Ký ức đôi guốc đỏ) và có khi từ những bộc bạch gan ruột của chính tác giả: “Tôi đã từng có những ngày tuyệt vọng tới nỗi chỉ biết ngửa mặt hỏi ông trời: Tôi sẽ sống tiếp thế nào đây… Tôi ngồi trên chiếc ghế đá ướt sũng. Giày vải dưới chân cũng ướt sũng… Ngồi đấy, ngay trước cái cây trong cơn mưa ấy, đầu óc mịt mờ như có sương mù bọc kín… Trong đầu vẫn chỉ có một câu hỏi duy nhất: Nên sống tiếp thế nào? Một câu hỏi không biết hỏi ai, và đương nhiên cũng không có vị thánh nào trả lời giúp” (Sống để biết ơn). Cảm tưởng như tác giả đang trải niềm đau trên giấy mong manh. Tuy nhiên nỗi buồn đó không hóa thành “những tiếng thét” (chữ của Phạm Tiến Duật) như họ Hàn ngày trước mà đơn giản chỉ là… nỗi buồn thôi, nỗi buồn xanh như cây, cấy vào lòng bạn đọc những cảm xúc trong vắt để thêm hiểu, thêm yêu cuộc đời và chính bản thân mình vì suy cho cùng, cuộc đời như tác giả viết chỉ như “gió thoảng, chẳng phải thế sao?”, cơn cớ gì cứ phải chìm trong u sầu, chán chường, đau khổ? Những cảm xúc trong vắt ấy đáng tiếc lại bị loãng ra bởi phần hai của cuốn sách, phần viết về những người bạn. Không phải vì tác giả viết không hay mà vì nó lạc nhịp không ăn nhập với phần một, nhất là ở cảm xúc. Giá tác giả mạnh dạn bỏ phần này thì Tôi đã trở về trên núi cao sẽ là một cuộc trở về trọn vẹn.

TÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tap-tan-van-mang-ve-dep-cua-noi-buon-551176