Tập quán kinh doanh tại Algeria

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy: 10 tháng đầu năm, tổng giá trị XK của Việt Nam sang Algeria đạt 225,36 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê chiếm 98,4 triệu USD (57.077 tấn), tăng 81% về lượng và tăng 66% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, đối với phương thức thanh toán tại thị trường Algeria: Về cơ bản, việc thanh toán quốc tế thực hiện bằng đồng euro và USD. Thư tín dụng (L/C) và nhờ thu kèm chứng từ là hai phương thức thanh toán được phép sử dụng tại Algeria. Việc chuyển tiền tự do trước đây được phép nay chỉ được dùng trong một số hoạt động như NK nguyên liệu đầu và linh kiện kèm theo một số điều kiện. Hệ thống thanh toán của Algeria ít sử dụng phương tiện tiền điện tử. Mọi hoạt động XNK đều phải thực hiện thông qua ngân hàng.

Về mặt ngôn ngữ: Mặc dù Algeria không phải là thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, song tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính thức trong chính quyền và giới kinh doanh, được sử dụng phổ biến do có quan hệ nhiều với Pháp, Bỉ, Canađa... Do vậy, việc sử dụng thành thạo tiếng Pháp là một thế mạnh chủ yếu đối với các nhà XK và đầu tư nước ngoài. Trên các sản phẩm và bao bì, hàng hóa buộc phải viết bằng hai ngôn ngữ, tiếng Pháp và tiếng A rập (hoặc tiếng A rập và tiếng Anh).

Thương vụ Việt Nam tại Algeria lưu ý: Đối với các DN Algeria mà DN Việt Nam mới làm quen lần đầu, việc giao dịch bằng email thường ít đem lại kết quả, nhiều trường hợp phía bạn không trả lời. Do vậy, đối với thư giới thiệu, DN Việt Nam nên gửi bằng fax, nếu có thể viết thư bằng tiếng Pháp thì càng tốt. Nếu gửi thư qua email thì nên viết dưới dạng văn bản, có đóng dấu và scan.

Việc sử dụng các đại lý thương mại Algeria cũng có thể là sự lựa chọn đúng đắn mang tính chiến lược. Những người trung gian này (người được ủy quyền, người môi giới mua bán...) biết rất rõ thị trường trong nước và thành thạo tiếng A rập có thể giúp tránh được mọi sự hiểu nhầm hoặc cái bẫy mà một người nước ngoài chưa có kinh nghiệm có thể mắc phải.

Một số lưu ý khác dành cho DN Việt Nam khi giao thương với thị trường Algeria là: DN cần có sự kết nối thường xuyên với cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại và các bộ, ngành trong nước để được hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài buôn bán hàng hóa thông thường, DN cũng nên nghiên cứu khả năng đầu tư, liên doanh liên kết tại Algeria trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, đồng thời tận dụng Algeria như là cửa ngõ để thúc đẩy XK sang các nước khác trong khu vực.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tap-quan-kinh-doanh-tai-algeria.aspx