Tập phục hồi chức năng sau đột quỵ: Xuất viện, đa số bệnh nhân phải tự 'bươn chải'

Đa số bệnh nhân (BN) sau đột quỵ, khi xuất viện thường tự 'bươn chải' tập vật lý trị liệu tại nhà, nhờ người nhà hỗ trợ; thậm chí có trường hợp không tập.

Tập phục hồi chức năng rất cần thiết với người bị đột quỵ

Tập phục hồi chức năng rất cần thiết với người bị đột quỵ

Đây là chia sẻ của TS. BS Nguyễn Bá Thắng, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần Kinh Đại học Y dược TPHCM, Trưởng khoa Thần Kinh Bệnh Viện Đại Học Y Dược TPHCM tại buổi tập buổi tập huấn “Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ” do Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TPHCM phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam và Công ty Ever Pharma tổ chức.

Tại đây, BS Thắng cho biết, ở Việt Nam hiện chưa có nhiều trung tâm tiếp nhận BN sau đột quỵ về để phục hồi chức năng. Một số nơi có tiếp nhận nhưng số lượng không đủ và không phủ khắp các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh.

“Sau khi BN xuất viện, rất nhiều người phải tự “bươn chải”, về nhà tự tập, nhờ người nhà tập giúp; thậm chí là không tập gì hết. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phục hồi của BN” – BS Thắng nói.

Lớp tập huấn phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ thu hút các bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia

Còn tại BV, khắc phục tình trạng quá tại BN đến phục hồi chức năng khá khó khăn vì diện tích không nhiều, phòng chức năng cũng không đủ rộng để chứa được nhiều BN.

Tuy nhiên quá trình phục hồi chức năng tại BV sẽ bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên BN nhập viện. Tùy theo mức độ của BN mà có những bài tập phù hợp như nuốt, nói, phục hồi vận động…

Theo các chuyên gia y tế, thông thường BN ở khu vực TPHCM sẽ quay trở lại tập phục hồi chức năng, còn các BN ở nơi khác rất ít quay lại tập. Do đó BS có thể hẹn ở phòng khám ngoại trú để hướng dẫn người bệnh.

Bên cạnh đó còn có đội ngũ đến nhà hỗ trợ, nhưng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh bệnh nhân vì tốn chi phí.

“Tập đúng phương pháp rất quan trọng, ngoài biện pháp ban đầu là cấp cứu thế nào để phục hồi tốt, những di chứng sau này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình phục hồi chức năng tốt. Trước đây ngành phục hồi chức năng của Việt Nam chủ yếu tập trung vào vật lý trị liệu, nhưng giờ được mở rộng ra nhiều lĩnh vực như vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu giúp cho BN tái hòa nhập cộng đồng.

Do đó nếu tập đúng phương pháp thì khả năng phục hồi của BN rất cao. Còn nếu tập không đúng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng như cứng cơ, co rút cơ, mất chức năng vận động, không thể nào hòa nhập lại với cuộc sống rất nhiều” – BS Thắng khẳng định.

Chương trình do các chuyên gia y tế nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, chia sẻ

Chương trình tập huấn nhằm đào tạo đội ngũ đa chuyên ngành gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên đang làm công tác điều trị, phục hồi chức năng tại BV Đại học Y Dược TPHCM và các bệnh viện, trung tâm y tế trong khu vực; cập nhật kỹ thuật phục hồi chức năng, nâng cao chất lượng điều trị, giảm thiểu biến chứng cho BN sau đột quỵ, tăng cường khả năng tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh.

Theo báo cáo năm 2016 của Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong, 5 triệu trường hợp sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Những con số biết nói này khiến ngành y toán cầu ngày càng quan tâm đến các phương pháp điều trị cho BN sau đột quỵ, giúp họ khắc phục những di chứng và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.

WSO khuyến cáo những liệu pháp phục hồi chức năng cần được tiến hành bài bản, có thể từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát. Trước thực trạng BN đột quỵ sau khi điều trị giai đoạn cấp chưa được tiếp cận các kiến thức, bài tập phục hồi chức năng cho BN mang ý nghĩa rất lớn, giúp người bệnh có thể sinh hoạt độc lập, sớm hòa nhập với cuộc sống.

Chương trình tập huấn diễn ra từ ngày 23-26/11. Kết thúc thời gian tập huấn, Ban tổ chức lớp học sẽ kiểm tra nhận thức và cấp chứng chỉ cho các học viên tham gia.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/tap-phuc-hoi-chuc-nang-sau-dot-quy-xuat-vien-da-so-benh-nhan-phai-tu-buon-chai-1755075.tpo