Tập kích tiêu diệt quân Pháp ở Chi khu Cần Giờ

NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA QUÂN VÀ DÂN BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP: Cuộc tập kích Trung tâm An dưỡng của sĩ quan Pháp ở Vũng Tàu NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA QUÂN VÀ DÂN BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP: Tiến công đoàn xe của quân Pháp ở Ẹo Ông Từ

Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, giữa năm 1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ đã phân chia lại ranh giới hành chính các tỉnh thành, đồng thời, sắp xếp bộ máy những cơ quan kháng chiến và đơn vị vũ trang miền Đông Nam bộ để phù hợp với tình hình phát triển mau lẹ của chiến trường. Tỉnh Bà Rịa được sáp nhập với Chợ Lớn thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn (gọi là tỉnh Bà Chợ).

Rừng Sác Cần Giờ.

Rừng Sác Cần Giờ.

Bà Chợ là một tỉnh lớn ở miền Đông Nam bộ, tiếp giáp với Sài Gòn, có bờ biển dài hơn 150km, có sông Lòng Tàu là tuyến giao thông đường thủy cực kỳ quan trọng từ cảng Sài Gòn tới vịnh Gành Rái (Vũng Tàu) rồi ra biển Đông. Để bảo vệ sông Lòng Tàu, quân Pháp đã thiết lập một hệ thống nhiều đồn bốt đóng giữ những điểm trọng yếu như: đồn Bình Khánh, đồn Phước Khánh và Chi khu Cần Giờ (Sousquartier Ma Dec).

Cách Vũng Tàu và cảng Sài Gòn khoảng 15km đường thủy, Chi khu Cần Giờ có vị trí đặc biệt trong hệ thống phòng thủ sông Lòng Tàu. Ở đây thường xuyên có 2 đại đội lính Pactidăng (lê dương) thiện chiến thay nhau chốt giữ. Chỉ huy Chi khu Cần Giờ là viên quan Hai kiêm Quận trưởng Cần Giờ.

Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Chợ, đầu năm 1952, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 300 phối hợp với đơn vị quân báo Vũng Tàu tổ chức trinh sát, nghiên cứu phương án tập kích tấn công tiêu diệt Chi khu Cần Giờ. Sau nhiều ngày trinh sát, nghiên cứu thực địa, được sự hỗ trợ của các cơ sở kháng chiến xã Long Thạnh, Cần Thạnh và cơ sở nội tuyến hoạt động bí mật tại Chi khu, phương án tác chiến tập kích tấn công Chi khu Cần Giờ đã hoàn thành. Lực lượng chính tham gia trận đánh là Tiểu đoàn 300, ngoài ra còn có lực lượng vũ trang huyện Nhà Bè và dân quân du kích địa phương. Ông Nguyễn Văn Bứa, Tỉnh đội phó kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 300 chỉ huy các lực lượng tham gia tập kích.

Nửa đêm ngày 29/1/1952 (đêm mồng 3 Tết Nhâm Thìn), lực lượng tập kích chia làm 2 mũi đi theo đường biển đổ bộ vào Chi khu Cần Giờ. Chỉ huy mũi thứ nhất là ông Đặng Kim Ba, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 300. Chỉ huy mũi thứ hai là ông Trần Tâm, Huyện đội trưởng Huyện đội Nhà Bè. Đại đội 2 Tiểu đoàn 300 được giao nhiệm vụ chủ công.

Hai mũi tiến công của quân ta bí mật tiếp cận mục tiêu. Khoảng 12 giờ đêm, thời điểm binh lính địch ngủ say, cơ sở nội ứng mở toang cửa đồn, quân ta ào ạt xông vào, xả súng tiêu diệt hoàn toàn 1 đại đội lính Pactidăng của địch. Sáng ngày hôm sau (mồng 4 Tết), trong lúc quân ta đang thu dọn chiến trường để rút về căn cứ thì quân địch đưa 38 tàu chiến chở quân đến phản kích, bao vây, chặn đường rút của quân ta.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt. Do lực lượng quân Pháp quá đông, hỏa lực mạnh, quân ta phải rút sâu vào rừng Sác để tìm đường về căn cứ. Quân Pháp đưa hàng chục tàu chiến lớn nhỏ đến săn lùng trên các kênh rạch, truy tìm lực lượng vũ trang kháng chiến. Cánh quân của Đại đội 2, Tiểu đoàn 300 do ông Ngô Quang Phiếu và Đặng Văn Thứ chỉ huy cùng cánh quân chặn hậu của lực lượng vũ trang huyện Nhà Bè bị vây trong rừng Sác hơn 10 ngày đêm. Sống giữa vòng vây quân giặc, vừa thiếu nước ngọt, vừa thiếu lương thực, các chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Bà Chợ đã phải ăn cua sống, nhai quả bần chua thay nước để chiến đấu và tìm cách thoát khỏi vòng vây giặc. Nhờ hai cha con một gia đình ngư dân sống trong rừng Sác, dùng ghe chia làm 25 chuyến, chở bộ đội luồn lách trên những lạch nước nhỏ, vượt vòng vây địch, rồi qua sông Đồng Tranh trở về căn cứ Khu tây an toàn. Cánh quân của ta làm nhiệm vụ chặn hậu hướng Nhà Bè cũng được một ông già làm nghề đốn củi ở rừng Sác cung cấp nước ngọt, dẫn đường đưa các chiến sĩ thoát khỏi vòng vây.

Trận tập kích tấn công Chi khu Cần Giờ là trận đánh tiêu diệt cấp Chi khu đầu tiên trên chiến trường Nam bộ. Để giành được chiến thắng, lực lượng vũ trang tỉnh Bà Chợ đã phải rèn luyện nhiều ngày, phải vượt qua muôn vàn khó khăn nguy hiểm giữa vòng vây dày đặc của quân thù.

Chiến công tập kích tấn công Chi khu Cần Giờ còn có sự đóng góp lớn lao của những người dân lao động bình thường nhưng dũng cảm và yêu nước, không quản ngại hy sinh mất mát, sẵn sàng giúp lực lượng vũ trang kháng chiến vượt vòng vây giặc, trở về căn cứ an toàn.

TRẦN QUANG VINH

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh BR-VT; Lịch sử Đảng bộ tỉnh BR-VT; Lịch sử Đảng bộ Miền Đông lãnh đạo kháng chiến…

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/noi-ay-que-nha/202008/nhung-tran-danh-cua-quan-va-dan-ba-ria-vung-tau-trong-khang-chien-chong-phap-tap-kich-tieu-diet-quan-phap-o-chi-khu-can-gio-907022/