Tập huấn ứng viên hội đồng thẩm định SGK lớp 6: Cẩn trọng, chi tiết trên từng bản mẫu sách

Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn cho gần 190 ứng viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6, theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Hiện nay, các tổ chức cá nhân đã cơ bản hoàn thiện bản mẫu SGK lớp 6. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và tổ chức thực hiện công việc này.

Các ứng viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6 gồm: Nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục cấp THCS có kinh nghiệm, uy tín. Trước khi tham dự tập huấn, các thầy cô đã có 2 ngày tự nghiên cứu tài liệu về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT “Ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK”; các minh chứng đánh giá theo các tiêu chuẩn SGK tại Thông tư 33; các biểu mẫu thẩm định.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục đào tạo đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó, nhiệm vụ rất quan trọng là tạo chuyển biến căn bản, hiệu quả giáo dục phổ thông, góp phần chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.

Gần 190 ứng viên Hội đồng quốc gia đã được tập huấn thẩm định SGK lớp 6, theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ảnh: moet.gov.vn

Gần 190 ứng viên Hội đồng quốc gia đã được tập huấn thẩm định SGK lớp 6, theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ảnh: moet.gov.vn

Luật Giáo dục 2019 pháp điển hóa toàn bộ Nghị quyết 88, nội dung về SGK được đưa vào Điều 32. Theo đó, SGK triển khai chương trình GDPT, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình GDPT về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh. SGK định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Nội dung và hình thức SGK không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội... Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 33 và chương trình GDPT tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; các nhà xuất bản đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức biên soạn SGK. Từ kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, 46 bộ SGK lớp 1 của đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở GDPT, kịp tiến độ triển khai chương trình GDPT.

“Giờ chúng ta phải chuẩn bị tiếp SGK cho lớp 2 và lớp 6 để phê duyệt, lựa chọn, in ấn, phát hành kịp tiến độ áp dụng chương trình GDPT mới cho hai lớp học này vào năm học 2021-2022”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Hiện nay, các tổ chức cá nhân đã cơ bản hoàn thiện bản mẫu SGK lớp 6. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và tổ chức thực hiện công việc này. Chất lượng thành viên Hội đồng quyết định quan trọng chất lượng hoạt động thẩm định SGK, theo đó là chất lượng các SGK. Do đó, việc tổ chức tập huấn cho ứng viên hội đồng hiểu rõ các nội dung, quy định, tiêu chí… trong thẩm định SGK là vô cùng cần thiết.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định SGK, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý thành viên Hội đồng cần làm tốt một số việc. Cụ thể, thành viên cần nắm chắc từ nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT tổng thể, chương trình môn học và hoạt động giáo dục mình tham gia thẩm định để đánh giá được SGK nào cụ thể hóa được chương trình GDPT. Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo thẩm định, quy trình thẩm định SGK theo Thông tư 33 và các luật khác có liên quan, cũng cần hiểu rõ để thực hiện đúng.

“Việc thẩm định sách cần được thực hiện một cách cẩn trọng, chi tiết từng bản mẫu, chú ý từ nội dung, ngôn ngữ, tới hình thức thể hiện. Thông tư 33 đưa ra 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí và Bộ GD&ĐT đã cụ thể thành 40 chỉ báo. Các thầy cô cần nắm chắc, bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí, các chỉ báo này để thẩm định SGK đúng quy định, đảm bảo chất lượng”, Thứ trưởng nói.

Sau chương trình tập huấn, trên cơ sở thực tế và các điều kiện khác, Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định chính thức việc thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tap-huan-ung-vien-hoi-dong-tham-dinh-sgk-lop-6-can-trong-chi-tiet-tren-tung-ban-mau-sach-202264.html