Tập huấn công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại khu vực miền Trung

Ngày 21.6, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 22/2018/NĐ-CP và tập huấn công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực miền Trung. Đại diện của các đơn vị chuyên môn và lực lượng thanh tra ngành VHTTDL của 14 tỉnh, thành của miền Trung đã tham dự.

Ông Bùi Nguyên Hùng- Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Cao Thái chủ trì Hội nghị tập huấn.

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23.2.2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định này gồm 6 chương, 51 điều và có hiệu lực từ ngày 10.4.2018 vừa qua.

Ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết: việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính ở nhiều địa phương có những điểm khác nhau, có tỉnh giao cho Sở Khoa học- công nghệ hoặc Sở Thông tin truyền thông thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành. Đây là lĩnh vực vi phạm về quyền tác giả rất lớn hiện nay. Ông Thái khẳng định chương trình phần mềm máy tính thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả, do đó đề nghị thanh tra các Sở VHTTDL, Sở VHTT chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương.

Theo Chánh thanh tra Bộ VHTTDL, có nhiều vi phạm về bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh, nhưng việc xem xét kiểm tra, xử lý là không nhiều. Đặc biệt là đối với việc vi phạm bản quyền thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Mới đây nhất là việc vi phạm và xử lý vi phạm bản quyền của tác phẩm điện ảnh Cô ba Sài Gòn. Chính vì thế, việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan là rất cần thiết.

Các đại biểu đến từ 14 tỉnh thành khu vực miền Trung tham dự hội nghị.

“Riêng với dịch vụ văn hóa công cộng, việc vi phạm bản quyền trong karaoke là rất nhiều, đây là lĩnh vực do ngành văn hóa quản lý. Tính đến năm 2017, cả nước có 17.321 cơ sở kinh doanh karaoke và 77 cơ sở kinh doanh vũ trường. Để đảm bảo thực hiện tốt về quyền tác giả, quyền liên quan; đề nghị các Sở vừa kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vừa thanh tra, xử lý để những đối tượng, cơ sở vi phạm phải tâm phục khẩu phục”- ông Phạm Cao Thái nói.

Đại diện Sở VHTT TP. Đà Nẵng, ông Trần Văn Thôi- Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Biểu diễn nghệ thuật nêu thực trạng sao chép CD/VCD âm nhạc tràn lan, vi phạm bản quyền nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có chế tài nào, cách xử lý nào giải quyết. Đây không chỉ là trình trạng diễn ra ở TP. Đà Nẵng mà còn nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước… Ông Thôi cũng nêu một số trường hợp bất hợp lý trong việc thu tác quyền âm nhạc hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng, gây ra nhiều phản ứng từ phía các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh. Qua đó, mong muốn đơn vị quản lý ngành thường xuyên phối hợp với Đà Nẵng cũng như các địa phương để hướng dẫn, xử lý vừa tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan vừa tạo điện kiện để các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hưng giải thích, hướng dẫn các nội dung của Nghị định 22/2018/NĐ-CP.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Bùi Nguyên Hùng cho biết: sau khi Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1621 gửi đến tất cả 63 tỉnh, thành. Đến nay, đã có hơn 50% các địa phương đã nhận được văn bản và giao Sở VHTT (Sở VHTTDL) phối hợp với các Sở, ngành khác để triển khai thực hiện các quy định của Nghị định 22/2018/NĐ-CP. “Các địa phương có thể ban hành văn bản cấp tỉnh để triển khai thực hiện Nghị định 22 trên địa bàn của mình. Trong thực tiễn, các địa phương nào có thắc mắc, kiến nghị cần gửi báo cáo về Cục Bản quyền tác giả. Chúng tôi sẽ có giải đáp, hướng dẫn và phối hợp thực hiện tốt ở từng địa phương. Quá trình thực hiện, có những điều gì chưa phù hợp với thực tế, sẽ kiến nghị sửa đổi”- ông Hùng nhấn mạnh.

Một số đại diện đến từ các Sở VHTT tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng có những góp ý và kiến nghị đến đại diện Bộ VHTTDL. Trong đó, kiến nghị Cục Bản quyền tác giả cần tăng cường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về quyền tác giả, quyền liên quan cho các đơn vị văn hóa cơ sở ở các địa phương. Qua đó, nhằm thi hành hiệu quả hơn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan theo Nghị định 22/2018/NĐ-CP.

Theo dự kiến, ngày 29.6 tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định của Nghị định 22/2018/NĐ-CP và tập huấn công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại khu vực phía Nam.

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-nghe/artmid/616/articleid/8387/t%E1%BA%ADp-hu%E1%BA%A5n-c244ng-t225c-th%E1%BB%B1c-thi-ph225p-lu%E1%BA%ADt-v%E1%BB%81-quy%E1%BB%81n-t225c-gi%E1%BA%A3-quy%E1%BB%81n-li234n-quan-t%E1%BA%A1i-khu-v%E1%BB%B1c-mi%E1%BB%81n-trung