Tập huấn chỉ đọc lại, giáo viên ở nhà tự nghiên cứu chương trình mới còn hơn

Báo cáo viên cốt cán ở các địa phương khi triển khai tập huấn mà chỉ trình bày lại văn bản như vậy để làm gì? Giáo viên về nhà tự học, tự đọc là được mà.

Thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các địa phương về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có lẽ chưa bao giờ lượng giáo viên cốt cán ở mỗi địa phương được cử đi tập huấn nhiều đến thế. Các thầy cô giáo cốt cán ở nhiều tỉnh thành được tập trung theo từng vùng miền. Thời gian cho mỗi đợt tập huấn giáo viên cốt cán từ 3-5 ngày.

Giáo viên Bình Thuận đang được tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phan Tuyết)

Giáo viên Bình Thuận đang được tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phan Tuyết)

Ưu tiên việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các địa phương là rất cần thiết. Thế nhưng điều khiến không ít người băn khoăn là cách thức tập huấn chương trình mới hiện nay có thật sự hiệu quả?

"Cốt cán của cốt cán"

Đồng nghiệp của chúng tôi ở nhiều địa phương cho biết, đầu tiên phòng, sở nơi đó cử một số hiệu trưởng, hiệu phó cùng chuyên viên cấp phòng, sở đi tập huấn ở trung ương.

Sau đợt tập huấn, những cán bộ cốt cán này cùng với giảng viên một số trường đại học tổ chức tập huấn lại cho giáo viên cốt cán ở từng địa phương.

Mỗi giáo viên cốt cán được phân phụ trách một môn học. Sau thời gian tập huấn, giáo viên cốt cán sẽ tập huấn đại trà cho toàn thể giáo viên trong nhà trường. Với cách tập huấn thế này có thật sự hiệu quả hay không?

Trước khi đi tập huấn, giáo viên cốt cán phải nghiên cứu tài liệu một tuần. Nói là một tuần nhưng giáo viên cốt cán vẫn phải đi dạy suốt cả ngày, vẫn phải hoàn thành biết bao công việc như các giáo viên khác.

Thầy cô bận ngập đầu chuẩn bị ôn tập, kiểm tra học kỳ sao lại tập huấn dồn dập?

5 ngày đi tập huấn, có môn được giảng viên nhiệt tình hướng dẫn, nhưng có môn giảng viên chỉ bảo hỏi Google hay về đọc tài liệu. Thế là, những giáo viên cốt cán này cũng phải tự bơi trong bể kiến thức vượt quá sức của mình.

Đi tập huấn về, giáo viên cốt cán phải nhanh chóng soạn bài để hỗ trợ giáo viên. Nội dung chương trình thì mênh mông nhưng thời gian truyền đạt lại gói gọn mỗi môn học theo từng mô đun chỉ được báo cáo từ 30 phút đến tối đa 2 tiếng.

Với thời lượng ít ỏi như thế, báo cáo nội dung gì, triển khai như thế nào để có thể hỗ trợ giáo viên hiểu thêm về chương trình cũng chẳng hề đơn giản.

Một số điểm chung mà các báo cáo viên hướng tới là cung cấp các năng lực chung, năng lực cốt lõi, phẩm chất, yêu cầu cần đạt, cách thiết kế một kế hoạch bài dạy của từng môn học, những điểm mới của chương trình 2018 so với chương trình hiện hành…

Cách thức triển khai, giáo viên cốt cán chuyển tài liệu qua đường email về trường để giáo viên xem trước. Ngày tập huấn, các báo cáo viên trình chiếu những nội dung cần triển khai, cho giáo viên làm bài tập theo yêu cầu và báo cáo kết quả thảo luận.

Nhiều báo cáo viên cũng đã nỗ lực hết mình với mong muốn truyền tải những nội dung thiết thực để hỗ trợ giáo viên hiểu sâu, nắm kỹ chương trình. Dù thế, với cách tập huấn kiểu này thì hiệu quả mang lại rất ít.

Những nội dung giáo viên cốt cán trình bày là những vấn đề có trong chương trình tổng thể, trong các mô đun giáo viên sẽ học. Bởi thế, một số ý kiến cho rằng giáo viên đâu cần phải lên ngồi tập trung để nghe những điều mà trong tài liệu cũng có.

Tập huấn chương trình mới cần coi trọng việc tự nghiên cứu và giải đáp thắc mắc

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt-Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

Tập huấn, bồi dưỡng nhiều đang làm khó giáo viên, nhà trường

Thầy Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh, báo cáo viên cốt cán ở các địa phương khi triển khai tập huấn mà chỉ trình bày lại văn bản như vậy để làm gì? Giáo viên về nhà tự học, tự đọc là được mà.

Bộ Giáo dục cũng có những video, clip quay lại những đoạn thuyết trình của các báo cáo viên là giảng viên ở trung ương đưa lên trang trường học kết nối. Giáo viên có thể mở ra xem.

Báo cáo viên cốt cán ở các địa phương khi về tập huấn cho giáo viên chỉ cần truyền tải lại cái không khí, tinh thần, những nội dung trao đổi, những tranh luận, những tháo gỡ vướng mắc, những ý tưởng nằm ngoài chương trình mà tác giả chương trình hoặc báo cáo viên trung ương chia sẻ ở các buổi tập huấn để giáo viên lĩnh hội là đủ.

Chứ thời gian có hạn như thế, báo cáo viên chỉ đọc lại những điều đã có trong văn bản thì cũng chẳng ích gì. Còn trả lời các câu hỏi về chương trình của giáo viên ở địa phương, báo cáo viên cốt cán không đủ khả năng.

Dù có đi tập huấn nhưng giáo viên cốt cán không thể lĩnh hội được toàn bộ tinh thần của chương trình mà phải là những người trực tiếp làm chương trình mới nắm được những ý tưởng nằm sau đó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, câu chuyện, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tap-huan-chi-doc-lai-giao-vien-o-nha-tu-nghien-cuu-chuong-trinh-moi-con-hon-post214995.gd