Tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số vào đoàn, hội: Kết nối từ cuộc sống

Tập hợp thanh niên đến với tổ chức Đoàn, nhất là những thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động Đoàn. Các địa phương đã có nhiều cách làm hay, phù hợp để tập hợp thanh niên DTTS tham gia hoạt động tại địa phương.

Anh Lý Văn Nhẹ là thủ lĩnh Đoàn của xã, cũng là thanh niên dân tộc thiểu số gương mẫu tham gia hoạt động phong trào.

Anh Lý Văn Nhẹ là thủ lĩnh Đoàn của xã, cũng là thanh niên dân tộc thiểu số gương mẫu tham gia hoạt động phong trào.

Anh Lý Văn Nhẹ, Bí thư Xã Đoàn Sông Xoài, TX. Phú Mỹ cho biết, khoảng 40% người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc, như: Hoa, Khơ me, Châu Ro… Vì vậy, toàn xã có 138 ĐVTN thì 50 thanh niên là người dân tộc. Anh Nhẹ là người Châu Ro, nên anh hiểu rõ văn hóa, tính cách, tập tục của đồng bào mình. Thông qua việc trò chuyện, vận động thanh niên tham gia sinh hoạt, bố trí thanh niên là người dân tộc Châu Ro, người Hoa… làm bí thư, phó bí thư chi đoàn các ấp, anh Nhẹ đã tập hợp được thanh niên đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào.

Hôm chúng tôi đến, ĐVTN trong xã đang tổ chức quét dọn, trồng hoa trên “Tuyến đường thanh niên kiểu mẫu” ở ấp Cầu Mới. Trong gần 30 thanh niên tham gia hoạt động này, có phân nửa là thanh niên dân tộc Hoa, Châu Ro. Từ đầu giờ sáng, anh Dương Văn Sơn (35 tuổi), dân tộc Châu Ro đã lao động tích cực, khi thì cuốc đất để các bạn trồng hoa mười giờ, lúc lại cùng mọi người nhặt cỏ, xây bờ kè vườn hoa. Anh Sơn cho biết, anh tham gia sinh hoạt Đoàn từ năm 2012 và đã được hưởng lợi từ phong trào ngay trong năm này. Theo đó, thông qua sự bảo lãnh của Xã Đoàn, anh được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua 1 con bò sinh sản. Đến nay, anh đã trả hết nợ và đang có đàn bò 6 con. “Ngoài công việc mưu sinh bằng nghề thợ hồ và chăn nuôi bò, tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tại địa phương tổ chức. Tôi thấy nhiều thanh niên đồng bào còn e ngại khi tham gia hoạt động, nhưng nếu biết cách tạo sân chơi, họ sẽ nhiệt tình hưởng ứng”, anh Sơn nói.

Năm 2017, anh Đào Văn Lắm (SN 1979, người Châu Ro, thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) tham gia tổ chức Đoàn và được tạo điều kiện vay vốn 30 triệu đồng mua 2 con bò giống để phát triển kinh tế. Hiện, sau khi trả hết nợ, anh còn có “vốn liếng” là 3 con bò. Anh Lắm là Bí thư Chi Đoàn thôn Tân Châu được 3 năm nay. “Thông qua việc tổ chức các sân chơi bóng chuyền, bóng đá tại Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh hoặc trong các ngày hội của người Châu Ro, tôi tranh thủ tuyên truyền để thanh niên hiểu hơn về tổ chức Đoàn, Hội và hướng dẫn những thanh niên có nhu cầu tìm hiểu để vay vốn sản xuất… Từ đó, thanh niên tích cực tham gia các phong trào dọn vệ sinh thôn, ấp, trồng cây xanh. Đặc biệt, tôi luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào để những thanh niên khác làm theo”, anh Lắm chia sẻ.

Thanh niên DTTS hào hứng tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội khi có các hoạt động kết nối cuộc sống. Trong ảnh: Anh Dương Văn Sơn (bìa phải) tham gia sửa chữa “Tuyến đường thanh niên kiểu mẫu” tại ấp Cầu Mới, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ. Ảnh: MINH THANH

Còn tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, đa số ĐVTN là người Châu Ro. Bí thư xã đoàn, bí thư chi đoàn các ấp cũng là những thanh niên Châu Ro tiêu biểu. Bản thân những thủ lĩnh Đoàn, Hội này luôn tiên phong, nhiệt tình với các hoạt động để thanh niên trong xã hưởng ứng. Các mô hình như: CLB kỹ năng, “Tặng thẻ BHYT cho các hộ nghèo, khó khăn”, chăm sóc người già neo đơn, “Xây dựng tuyến đường Thanh niên tự quản”, tủ quần áo “Dư thì cho, thiếu thì nhận”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”… đã thu hút nhiều thanh niên tham gia. Ngoài ra, anh Lý Hồng Nam, Bí thư Xã Đoàn còn tổ chức đội “hát múa tiếng dân tộc Châu Ro”. Đội sinh hoạt vào cuối tuần tại Nhà văn hóa ấp Tân Thuận, dưới sự hướng dẫn của các bậc cao niên là người dân tộc trong ấp. Vào dịp lễ, Tết, Xã Đoàn tổ chức ngày hội truyền thống thanh niên dân tộc Châu Ro với nhiều hoạt động: Giới thiệu văn hóa ẩm thực Châu Ro, đi cà kheo, nhảy bao bố, nhảy sạp; tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề để ĐVTN hiểu hơn về các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nhờ đó, số thanh niên dân tộc gia nhập tổ chức Đoàn ngày càng tăng. Cụ thể, trước năm 2014, toàn xã chỉ có chưa đến 50 ĐVTN DTTS, nay đã tăng lên 86 người.

Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh phân tích: Thanh niên DTTS chủ yếu sống ở vùng xa của các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, TX. Phú Mỹ. Nhận thức, trình độ văn hóa của một số thanh niên chưa cao, còn có tư tưởng tách biệt với cộng đồng các dân tộc khác tại địa phương. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế cũng bấp bênh, việc làm thiếu ổn định nên đa phần thanh niên DTTS phải đi làm ăn xa… dẫn đến khó tập hợp. Trước thực trạng này, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục. Cụ thể, Tỉnh Đoàn phối hợp với các địa phương ưu tiên bố trí cán bộ Đoàn là người DTTS; giúp thanh niên vay vốn, giải quyết việc làm để thoát nghèo; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống giúp thanh niên DTTS thêm gắn kết với cộng đồng. Nhờ đó, công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên DTTS đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 60.115 đoàn viên, trong đó có 1.349 đoàn viên là người DTTS.

“Thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ thanh niên, ưu tiên thanh niên DTTS trong khởi nghiệp, lập nghiệp; tăng cường tổ chức các sân chơi theo sở thích, trang bị kỹ năng mềm… cho thanh niên, từ đó kết nối thanh niên DTTS với hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương”, anh Triết nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH THANH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/201911/tap-hop-thanh-nien-dan-toc-thieu-so-vao-doan-hoi-ket-noi-tu-cuoc-song-881402/