Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Nhà đầu tư lớn tại tỉnh Thanh Hóa

Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung là nhà đầu tư lớn của tỉnh Thanh Hóa, bởi những năm qua đã trúng nhiều dự án tại địa phương này. Trong số đó nhiều dự án được chỉ định thầu và 'kịch bản' trúng thầu các dự án khá giống nhau.

“Kịch bản” lặp lại

Cái tên Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung (Tập đoàn Xây dựng Miền Trung) được nhắc đến khi liên tiếp trúng thầu các dự án đầu tư có sử dụng đất hoặc dự án đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tại tỉnh Thanh Hóa.

Hình thức trúng thầu của doanh nghiệp này đa số là chỉ định quen thuộc, và liên danh, liên kết với một hoặc một số doanh nghiệp khác. “Cuộc chơi” hầu hết kết thúc ngay từ vòng sơ tuyển khi chỉ có duy nhất một nhà đầu tư trúng vòng sơ tuyển.

Mới đây nhất là dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa”. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép đầu tư theo hình thức BT. Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã liên danh với Công ty cổ phần xây dựng phát triển Hòa Bình tham gia đấu thầu và trúng thầu thông qua hình thức chỉ định.

Đây là dự án được tỉnh Thanh Hóa thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đến năm 2015 vẫn chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch mà mới chỉ hoàn thành được một số hạng mục. Đến tháng 11/2015, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã có văn bản đề nghị được thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT. Và với mong muốn sớm hoàn thành dự án theo quy hoạch, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý chủ chương thực hiện dự án theo đề nghị của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung. Lúc này Tập đoàn Xây dựng Miền Trung lập đề xuất dự án.

Theo phê duyệt đề xuất dự án (tháng 3/2016), tổng vốn đầu tư dự kiến cho dự án này khoảng 90,996 tỷ đồng, nhà đầu tư phải tự huy động 100% vốn. Trong đó, vốn chủ sở hữu 30%, vốn vay và huy động 70%. Bù lại, UBND tỉnh Thanh Hóa dự kiến giao nhà đầu tư thực hiện Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa với quy mô khoảng 70,8ha để tạo vốn đối ứng.

Đến tháng 4/2017, đề xuất dự án trên bị điều chỉnh. Cụ thể, đầu tư bổ sung khu công viên cây xanh khu vực trước khu di tích. Tổng vốn đầu tư của dự án tăng lên đến 267,222 tỷ đồng (gần gấp 3 lần). Trong đó, vốn chủ sở hữu điều chỉnh còn 20%, vốn vay và vốn huy động là 80%. Và diện tích đối ứng tỉnh Thanh Hóa dự kiến giao nhà đầu tư được điều chỉnh còn 67,85ha.

Đó là quá trình đề xuất dự án của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, còn quá trình tỉnh Thanh Hóa tổ chức đầu thầu dự án cũng được thực hiện ngay sau đó. Tháng 12/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển thực hiện dự án BT trên. Đến tháng 4/2017, tỉnh Thanh Hóa đã chọn được duy nhất 01 nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển, đó chính là liên danh giữa Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Công ty CP xây dựng Phát triển Hòa Bình (Công ty Hòa Bình). Tới đây, dự án đã khá “an bài” bởi vòng sơ tuyển chỉ có 01 nhà đầu tư trúng thầu. Điều này cũng là căn cứ quan trọng để UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ định nhà đầu tư một cách “đúng luật”.

Thực tế là như vậy, ngày 09/8/2018 ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chính thức ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê”. Theo đó, Liên danh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Công ty Hòa Bình là Nhà đầu tư duy nhất trúng vòng sơ tuyển, cũng chính là nhà đầu tư được chỉ định trúng thầu dự án này. Tổng mức đầu tư dự kiến được phê duyệt lúc này nâng lên tới 293,174 tỷ đồng, nhà đầu tư vẫn được giao thực hiện dự án Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa nhưng quy mô lúc này khoảng 67,72ha để kinh doanh đối ứng cho dự án BT.

Đây không phải là dự án duy nhất mà Tập đoàn Xây dựng Miền Trung liên danh với các doanh nghiệp khác tham gia với tư cách duy nhất một nhà đầu tư trúng vòng sơ tuyển và rồi trúng đấu thầu theo hình thức chỉ định “đúng luật”. Mà Tập đoàn này còn trúng thầu theo cách này tại nhiều dự án khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ví như, dự án đầu tư có sử dụng đất Khu dân cư phía Tây đường CSEDP thuộc khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP.Thanh Hóa có diện tích khoảng 18,8 ha. Liên danh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Công ty CP xây dựng và Thương mại Xuân Hưng, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phúc Thành trúng thầu cũng theo hình thức chỉ định. Trước đó Liên danh này cũng là nhà đầu tư duy nhất vượt qua vòng sơ tuyển dự án.

Hay dự án có sử dụng đất “khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã”, tại phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa, quy mô lên đến 48ha. Đây là dự án mà UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ định Liên danh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Công ty xây dựng và lắp máy Trung Nam, Công ty cổ phần xây dựng phát triển Hòa Bình làm chủ đầu tư. Kịch bản trúng thầu cũng diễn ra tương tự, tức là chỉ duy nhất Liên danh này vượt qua vòng sơ tuyển và cuối cùng trúng thầu theo hình thức chỉ định.

Ông Mai Xuân Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Miền Trung.

Ông Mai Xuân Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Miền Trung.

Tại dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, diện tích quy hoạch khoảng 30ha, Liên danh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương cũng là nhà đầu tư duy nhất trúng vòng sơ tuyển, mặc dù phải trải qua 02 lần sơ tuyển. Lần sơ tuyển đầu tiên có kết quả vào tháng 4/2018, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương là đơn vị duy nhất tham dự sơ tuyển nhưng do không đủ năng lực và kinh nghiệm nên bị “đánh trượt”. Lần sơ tuyển 2, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cùng tham gia dự án với vai trò là một doanh nghiệp liên danh với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương.

Đến tháng 9/2018 Liên danh này tiếp tục một mình trúng thầu sơ tuyển. Đây cũng sẽ là cơ hội lớn để liên danh này tiếp tục được chỉ định thầu thực hiện dự án. Có thể thấy, với Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cách thức trúng thầu các dự án có sử dụng đất hoặc dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT như trên không phải là điều quá xa lạ.

Vị thế nhà đầu tư lớn

Tập đoàn Xây dựng Miền Trung có trụ sở tại 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa. Đây là doanh nghiệp mà tiền thân là Công ty Xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa (TNHH), được thành lập năm 1994 với chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ. Đến nay Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã trở thành doanh nghiệp lớn thực hiện nhiều dự án ở nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt là ở tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung thực chất được gây dựng bởi 3 cá nhân: Mai Xuân Thực (SN 1954), Lê Thanh Hoa (SN 1957) và Nguyễn Thị Dinh. Hiện tại, ông Mai Xuân Thông (SN 1979) đã được kế thừa chức Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp.

Theo đăng ký thay đổi ngày 27/01/2016, doanh nghiệp này có vốn điều lệ lên đến 2.689 tỷ đồng. Ông Mai Xuân Thực góp 1.281 tỷ đồng (tương đương 47,66% vốn điều lệ), bà Lê Thanh Hoa góp 1.198 tỷ đồng (tương đương 47,67% vốn điều lệ), còn bà Nguyễn Thị Dinh đã chuyển nhượng hết cổ phần.

Lưu ý rằng, các cá nhân Mai Xuân Thực, Mai Xuân Thông, và Lê Thanh Hoa đều đăng ký thường trú tại số 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa. Trong đó, ông Mai Xuân Thực đã từng làm Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa nhiệm kỳ I (2010-2015). Còn ông Mai Xuân Thông hiện nay cũng là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, đồng thời cũng đã trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Không phải ngẫu nhiên mà Tập đoàn Xây dựng Miền Trung trúng thầu nhiều dự án đến như vậy tại tỉnh Thanh Hóa. Có thể thấy hình bóng một nhà đầu tư lớn tại tỉnh Thanh Hóa giai đoạn trước đây và những năm tiếp theo trong công cuộc đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương này.

Hoàng Loan

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tap-doan-xay-dung-mien-trung---nha-dau-tu-lon-tai-tinh-thanh-hoa-d150977.html