Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và viễn cảnh 'xám xịt'

Nhu cầu xây dựng vài năm trở lại đây không còn nóng cùng với sức cạnh tranh của thị trường khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn, trong đó có cả 'ông lớn' Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Vài năm trở lại đây, nhu cầu xây dựng dân dụng không còn tăng trưởng nóng như trước, các nhà thầu xây dựng lớn tại Việt Nam đang đứng trước bài toán khó khăn để duy trì doanh thu và lợi nhuận. Các doanh nghiệp dẫn đầu ngành như: Coteccons, Ricons hay Hưng Thịnh Incons đều suy giảm doanh thu trong quý đầu năm 2019.

Là một trong những "ông lớn" trong lĩnh vực xây dựng, quý I/2019 Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.708 tỷ đồng, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ. Các dự án xây dựng nhà ở cao tầng và các dự án xây dựng thương mại đóng góp nhiều nhất vào doanh thu với các dự án lớn như Vincity Gia Lâm, Celadon City, Imperia Sky Garden, Alma Resort… Tuy doanh thu tăng nhưng lợi nhuận gộp của Hòa Bình chỉ đạt 340,5 tỷ đồng, giảm 7,4% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của công ty theo đó cũng giảm mạnh xuống còn 9,2% trong quý 1/2019 so với mức 11% cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và bức tranh kinh doanh xám xịt. Ảnh Internet

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và bức tranh kinh doanh xám xịt. Ảnh Internet

Tỷ suất lợi nhuận giảm phản ánh điều kiện thị trường khó khăn hơn trong những quý gần đây khi nhu cầu xây dựng các dự án bất động sản bước sang trạng thái bão hòa. Bên cạnh đó, cạnh tranh ngày càng gia tăng và các chủ đầu tư tại Việt Nam ngày càng có ưu thế đàm phán lớn hơn khiến các công ty trong ngành buộc phải chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận.

Điều đáng nói, thời gian qua, nhu cầu xây dựng không mang lại động lực tăng trưởng dồi dào, các doanh nghiệp có nhiều cách để bổ sung nguồn công việc. Trong quý 1 vừa qua, Hòa Bình ký mới được thêm một số dự án xây dựng cao cấp lớn như Vincity Sportia, Wonder Villas, Sunshine City Sài Gòn… Mặc dù vậy, tổng giá trị hợp đồng ký mới đã giảm 12,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.518 tỷ đồng.

Ngoài các vấn đề chung của thị trường, Hòa Bình cũng tồn tại những vấn đề riêng từ nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết được. Quy mô các khoản phải thu luôn rất cao, được tài trợ bởi các khoản vay nợ ngân hàng. Tổng nợ của Hòa Bình cuối quý 1 là 4.531 tỷ đồng, với nợ ngắn hạn chiếm 94,3%.

Trong khi đó quy mô các khoản nợ quá hạn của Hòa Bình ngày càng lớn. Riêng năm ngoái, nợ quá hạn của công ty tăng thêm khoảng 50% lên 1.131 tỷ đồng khiến công ty phải tăng trích lập dự phòng thêm hàng chục tỷ đồng.

Trước đó, hồi đầu năm Hòa Bình đặt ra mức tăng trưởng lợi nhuận 16%, tương đương 720 tỷ đồng lãi sau thuế. Mặc dù vậy, sau kết quả kinh doanh quý 1, các công ty phân tích cho rằng Hòa Bình sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt mục tiêu tham vọng này.

Công ty hiện còn nhiều hợp đồng đã ký chưa thực hiện với giá trị lớn nhưng có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến cho việc triển khai và hạch toán lợi nhuận. Công ty sẽ tiếp tục ký được hợp đồng mới nhưng với điều kiện kém thuận lợi hơn trong khi cạnh tranh đã ở mức cao; theo đó sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp.

Năm 2019, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại dự sắp triển khai, Hòa Bình kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán vốn. Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, Hòa Bình sẽ cần tập trung cải thiện chất lượng dòng tiền để đảm bảo chất lượng doanh thu và lợi nhuận, còn việc phát hành cho cổ đông chiến lược Hàn Quốc sẽ chỉ giải quyết vấn đề tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tap-doan-xay-dung-hoa-binh-va-vien-canh-xam-xit-d159233.html