Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các nhân viên của Tập đoàn Raytheon Technologies (RTX) đã tham gia vào nhiều hoạt động mua bán thương mại trực tiếp một cách bất hợp pháp.
Đặc biệt là có những sai phạm liên quan đến việc xuất khẩu trái phép hàng hóa quốc phòng. Hiện tại Tập đoàn RTX tự nguyện khai báo mọi cáo buộc vi phạm và hợp tác với cơ quan điều tra.
Dự kiến một nửa số tiền phạt, vào khoảng 100 triệu USD, sẽ được đình chỉ với điều kiện số tiền đó được sử dụng để củng cố chương trình tuân thủ nội bộ của Tập đoàn Raytheon.
Phóng viên Colby Badhwar của tờ Business Insider đã đăng tải một bài phân tích, trong đó lưu ý rằng phần lớn các vi phạm đều do Rockwell Collins thực hiện trước khi chúng được Raytheon mua lại vào năm 2018.
Trong khi đó tất cả các bộ phận của Raytheon Technologies đều không liên quan tới vi phạm. Địa bàn xuất khẩu bị cấm của Raytheon gồm Iran, Lebanon, Nga và Trung Quốc. Hành vi bị phạt được xác định xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 5/8/2017 đến ngày 29/9/2023.
Bên cạnh chính quyền Mỹ, vào tháng 2/2023, Trung Quốc cũng đưa ra lệnh trừng phạt đối với Tập đoàn Raytheon vì đã tham gia bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan.
Raytheon Technologies là nhà phát triển và sản xuất các công nghệ mới nhất trong ngành vũ trụ và quốc phòng, bao gồm động cơ máy bay, hệ thống điện tử hàng không, an ninh mạng, tên lửa, hệ thống phòng không cũng như máy bay không người lái.
Raytheon là tập đoàn công nghiệp quốc phòng trọng yếu của Mỹ, bởi vậy việc xuất khẩu hàng hóa bị cấm luôn tiềm ẩn rủi ro rất cao về việc để lộ công nghệ nhạy cảm cho đối thủ.
Bên cạnh đó, hãng tin Reuters cho biết, các công ty Nga có thể mua phụ tùng cho các máy sản xuất chip cũ từ Công ty ASML của Hà Lan thông qua các thị trường thứ cấp trong năm 2022 - 2023, bất chấp lệnh trừng phạt của EU.
Theo thông báo ASML - công ty công nghệ lớn nhất châu Âu, là doanh nghiệp nổi tiếng với hệ thống in thạch bản, sử dụng công nghệ chùm ánh sáng để tạo ra chip xử lý tốc độ cao.
Mặc dù thiết bị từ những năm 1990 không được coi là hàng “lưỡng dụng”, các công ty Nga vẫn có thể sử dụng nó để chế tạo chip analog, đặc biệt là cho các phương tiện quân sự như máy bay không người lái.
Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022, việc bán thiết bị điện tử hay máy móc nhằm tạo ra chúng cho Liên bang Nga đã bị cấm bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu.
Tuy vậy đại diện Công ty ASML cho biết, họ đang tuân thủ chặt chẽ các lệnh trừng phạt và chỉ bán một lượng nhỏ thiết bị cho Nga, ngay từ trước khi biện pháp hạn chế được áp đặt.
Công ty lưu ý: “ASML không bán sản phẩm hoặc dịch vụ cho Nga và không hợp tác với các nhà phân phối Nga. Không có đợt giao hàng nào cho Moskva trong những năm gần đây khi lệnh trừng phạt hạn chế việc bán hệ thống PAS và Twinscan cũng như các phụ tùng thay thế".
Hãng tin Reuters tập trung vào các hệ thống PAS-5500 phổ biến trong những năm 1990 và 2000. Chúng đã được các công ty Nga mua phụ tùng thông qua trung gian Trung Quốc.
Bài báo đề cập đến 170 trường hợp nhập khẩu những bộ phận này vào Nga, tuy vậy không thể xác minh thông tin nói trên. Máy PAS-5500 không còn sản xuất nhưng nhiều thiết bị cũ vẫn được sử dụng một cách phổ biến trên thế giới.
Việt Dũng