Tập đoàn tài chính ngoại tăng tốc giành thị phần tài chính tiêu dùng

Cuộc đua giành thị phần tài chính tiêu dùng đang ngày một nóng, khi có thêm nhiều đối thủ mới gia nhập thị trường, đặc biệt là sự tham gia ngày một sâu hơn của các tập đoàn tài chính nước ngoài để chia sẻ 'miếng bánh' hấp dẫn.

Ảnh minh họa.

Thêm nhiều đối thủ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chuyển bán Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho SeABank. Theo đó, trước ngày 22/8/2018, việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của VNPT tại PTF cho SeABank phải được hoàn tất.

Công ty Tài chính cổ phần Xi măng cũng vừa đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) với các chức năng hoạt động cơ bản của một công ty tài chính, trong đó bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng...

Nhiều ngân hàng cũng cho biết, sẽ thành lập mới hoặc mua lại công ty tài chính để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng - vốn có biên lợi nhuận rất cao, để khai thác tiềm năng và chia sẻ “miếng bánh” hấp dẫn này.

Mặt khác, để đáp ứng quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng, với phạm vi điều chỉnh các khoản vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng phải qua công ty tài chính…, các ngân hàng thương mại cũng buộc phải thành lập hoặc mua lại công ty tài chính.

Việc hàng loạt ngân hàng lên kế hoạch thành lập, mua lại công ty tài chính cho thấy, cuộc cạnh tranh đang tiếp tục nóng lên. Đơn cử, Ngân hàng Phương Đông (OCB) có kế hoạch, trong năm 2018, sẽ thành lập mới hoặc mua lại công ty tài chính với mức tối thiểu 70% vốn điều lệ của công ty đó. Tương tự, Ngân hàng ACB cũng đang xúc tiến mua lại, thành lập công ty tài chính hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty Cho thuê tài chính ACB Leasing sang công ty tài chính cho vay tiêu dùng.

Chạy đua M&A

Thời gian gần đây, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa ngân hàng và công ty tài chính liên tục được thực hiện. Đầu năm 2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hoàn tất M&A Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel và thành lập Công ty Tài chính tiêu dùng SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng HDBank, VPBank, Techcombank, SHB, MaritimeBank cũng đều đã hoàn tất kế hoạch để mua lại công ty tài chính, chuyển đổi công năng cho vay tiêu dùng.

Với tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng, cuộc chạy đua thâu tóm công ty tài chính của các ngân hàng dường như vẫn chưa đến hồi kết.

Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, tín dụng tiêu dùng có khả năng bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động. Mức sống ngày càng nâng cao cùng với sự lạc quan về triển vọng thu nhập trong tương lai khiến người dân sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn ở hiện tại.

Bên cạnh đó, Việt Nam có quy mô dân số lớn, tỷ lệ dân số trẻ khá cao, khiến việc lập kế hoạch chi tiêu dễ dàng hơn. Người trẻ cũng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tài chính mới, thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhận định, cho vay tiêu dùng còn nhiều dư địa phát triển, vì hiện mới chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế (ở các nước khác, con số này khoảng 15-25%). Qua đó cho thấy, nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Đó chính là những lý do khiến các nhà đầu tư ngoại thèm muốn tham gia thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, trong đó, nhiều tập đoàn đã tiến hành mua lại công ty tài chính Việt Nam.

Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) đã tiến hành mua Công ty Tài chính Prudential Việt Nam với giá gần 151 triệu USD để mở rộng mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Techcombank cũng vừa chuyển nhượng Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ Thương cho đối tác Hàn Quốc là Lotte Card. Giá trị của thương vụ này có thể đạt khoảng 87,5 tỷ won, tương đương 1.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Quân đội bán 49% Công ty Tài chính Mcredit cho đối tác Nhật Bản; HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản).

Riêng FE Credit - “con gà đẻ trứng vàng” của VPBank, hiện vẫn chưa bán lại cho đối tác ngoại. MaritimeBank cũng chưa có động tĩnh gì về việc tìm kiếm đối tác nước ngoài.

Theo InfoMoney

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tap-doan-tai-chinh-ngoai-tang-toc-gianh-thi-phan-tai-chinh-tieu-dung-3457584.html