Tập đoàn Phúc Sơn và dự án tai tiếng 'xẻ thịt' sân bay Nha Trang

Mới đây, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với một số lãnh đạo Khánh Hòa vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng…

Dù chưa được cho phép nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã phân lô, bán nền đất tại sân bay Nha Trang cũ

Dù chưa được cho phép nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã phân lô, bán nền đất tại sân bay Nha Trang cũ

Trong đó, việc giao đất sân bay Nha Trang cũ cho dự án Trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch (TTTMDVTCDL) Nha Trang có thể xem là một trong những câu chuyện mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng nhất.

“Xẻ thịt” sân bay Nha Trang cũ

Đầu năm 2015, UBND tỉnh giao dự án TTTMDVTCDL cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (trụ sở chính tại Vĩnh Phúc) làm vốn đối ứng để thực hiện dự án hạ tầng Trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đến tháng 11/2015, khi Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng xây trung tâm hành chính mới tại các tỉnh thì dự án Trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa cũng buộc phải tạm dừng.

Thế nhưng ngày 12/10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn ban hành quyết định giao đất sân bay Nha Trang cũ cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án TTTMDVTCDL mà không qua đấu giá đất. Hơn 10 ngày sau, ngày 24/10/2016, Bộ Quốc phòng mới có công văn đồng ý bàn giao 62,8ha đất sân bay Nha Trang cũ cho UBND tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó Trường Sĩ quan Không quân thực hiện hai đợt bàn giao đất sân bay Nha Trang cũ cho tỉnh Khánh Hòa, trong đó đợt 1 với diện tích 18,8ha, đợt 2 hơn 44ha. Khi tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn tại khu đất trên thì toàn bộ diện tích này vẫn là đất quốc phòng, tỉnh chưa quản lý.

Theo hồ sơ, sau khi giao đất nhưng không có dự án để hoàn vốn, giữa năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển hơn 62,3ha đất đã giao cho Phúc Sơn trước đó một năm để hoàn vốn cho ba dự án BT về giao thông.

Sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa mới có công văn xin ý kiến Thủ tướng cho phép chỉ định thầu ba dự án BT về giao thông. Sau khi được Thủ tướng đồng ý, tháng 11/2017, UBND tỉnh ủy quyền cho Ban quản lý dự án phát triển, Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh ký các hợp đồng BT ba dự án giao thông với Tập đoàn Phúc Sơn.

Ba dự án BT này đều tại TP Nha Trang, có tổng mức đầu tư 3.514 tỉ đồng. Trong đó, với dự án đường vành đai 2 kết nối vào nút giao thông Ngọc Hội, Phúc Sơn được giao hơn 9ha, trị giá đất tạm tính 1.099 tỷ. Với dự án nút giao Ngọc Hội, Phúc Sơn được giao gần 5,5ha, trị giá đất tạm tính 1.215 tỷ. Với dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, Phúc Sơn được giao 6ha, trị giá đất tạm tính gần 950 tỷ. Tất cả dự án BT này đều không qua đấu thầu dự án, đấu giá đất.

Phối cảnh dự án Trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang trên nền đất sân bay Nha Trang cũ

Chưa xong thủ tục đã bán đất

Trước đó, năm 2015, tỉnh Khánh Hòa thuê một đơn vị tư vấn và được cung cấp chứng thư xác định giá trị quyền sử dụng hơn 186,8ha đất sân bay Nha Trang cũ khoảng 12.000 tỷ. Trong đó 79ha có giá trị khoảng 6.000 tỷ, được giao cho các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng làm vốn đối ứng thực hiện các dự án xây dựng sân bay quân sự tại TP Phan Thiết, Bình Thuận (thay thế sân bay Nha Trang cũ), các cơ sở huấn luyện không quân. Gần 108ha đất còn lại được Khánh Hòa dùng làm vốn đối ứng cho các dự án BT xây dựng hạ tầng.

Tháng 10/2016, khi giao 62,3ha đất cho Phúc Sơn, Khánh Hòa đã “tạm tính” giá trị quyền sử dụng đất cho Tập đoàn này. Đến tháng 2/2018, UBND tỉnh sử dụng hơn 20ha đất sân bay Nha Trang cũ được định giá 3.261 tỉ đồng để hoàn vốn cho Phúc Sơn.

Theo nhiều đánh giá, việc định giá của tỉnh Khánh Hòa với diện tích đất tại sân bay Nha Trang cũ giao cho Phúc Sơn là rất thấp so với giá trị thực tế, gây thiệt hại rất lớn đối với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên mới đây, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng tỉnh chưa thể xác định lại giá đất tại sân bay Nha Trang cũ do sự việc đang được Thanh tra Chính phủ thanh tra, các bộ, ngành đang xem xét.

Ngoài ra, trong khi ba dự án BT đều bị đình trệ, chưa hoàn thành, chưa được quyết toán thì Phúc Sơn đã ồ ạt phân lô, bán nền đất sân bay Nha Trang cũ với giá 70-200 triệu đồng/m2. Đến nay hầu hết diện tích đất tại sân bay Nha Trang cũ đã bị bán sạch.

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đang xác minh thông tin, thu thập hồ sơ liên quan việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) trái pháp luật tại sân bay Nha Trang cũ để xử lý.

Trước đó, hồi tháng 3/2018, Sở Xây dựng đã kiểm tra việc xây dựng và kinh doanh BĐS tại khu vực sân bay Nha Trang cũ và phát hiện Phúc Sơn đã đưa BĐS vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện, vi phạm pháp luật về kinh doanh BĐS.

Đến giữa năm 2018, Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm hành chính với Phúc Sơn về hành vi vi phạm quy định trong kinh doanh BĐS. Sau đó UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt Phúc Sơn 275 triệu đồng.

Theo thông báo ngày 5/11, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy vi phạm của ông Lê Đức Vinh (Phó Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 – 2016); Nguyễn Chiến Thắng (Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 – 2016); Đào Công Thiên (Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 – 2021) là rất nghiêm trọng, cùng với vi phạm của các tổ chức đảng, cá nhân đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn đất đai, tài sản, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương đến mức cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định.

Ông Lê Đức Vinh và ông Nguyễn Chiến Thắng đã trực tiếp ký các văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, của UBND tỉnh Khánh Hòa về đất đai, về đầu tư xây dựng các dự án, vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nội dung cố ý vi phạm.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, thành lập ngày 6/1/2004 tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 04/08/2009, doanh nghiệp này được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng đô thị Phúc Sơn. Tiếp đến, ngày 27/07/2010, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.

Tập đoàn Phúc Sơn do ông Nguyễn Văn Hậu sáng lập và nắm giữ đến 99% giá trị cổ phần. Tập đoàn này được biết đến thông qua dự án Nghĩa trang Thiên An Viên và một số dự án tại Phú Thọ, Khánh Hòa…

Minh Hằng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/tap-doan-phuc-son-va-du-an-tai-tieng-xe-thit-san-bay-nha-trang-478574.html