Tập đoàn Phúc Lộc: Phá núi xây chùa tại Lũng Cú (Hà Giang)

Theo Báo Hà Giang, ngày 22/6/2016, lãnh đạo tỉnh này đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và động thổ dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú (Đồng Văn), do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư

Ngày 22/06/2016, nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang làm Lễ động thổ dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú (ảnh Báo Hà Giang).

Ngày 22/06/2016, nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang làm Lễ động thổ dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú (ảnh Báo Hà Giang).

Bất chấp cảnh báo?

Theo Quyết định được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, Tập đoàn Phúc Lộc sẽ đầu tư xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn) với tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha, tổng mức đầu tư khoảng 889 tỷ đồng, xây dựng các công trình tâm linh; khu nhà khách; khu dịch vụ...

Thông tin từ một số phương tiện thông tin đại chúng, hiện Tập đoàn Phúc Lộc đã cơ bản xây xong các hạn mục chùa. Con đường rộng 33m, dài 1,7km qua cánh đồng vào chùa đã giải phóng mặt bằng, tôn mặt đường xong. Đền Hộ Quốc cũng đang được xây dựng, hạng mục đại tượng Phật hiện chưa khởi động.

Theo ông Vàng Mí Cấu, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú thuộc quần thể cao nguyên đá Đồng Văn. Việc Tập đoàn Phúc Lộc phá núi, bạt núi để tạo mặt bằng xây các công trình du lịch tâm linh đã được UBND tỉnh cho phép, đồng thời khai thác đá tận dụng luôn vật liệu tại chỗ cho các công trình xây dựng.

Sau gần 2 năm lãnh đạo tỉnh Hà Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư và động thổ dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú, ngày 11/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang đưa ra nhiều lưu ý và cảnh báo liên quan tới dự án.

Tập đoàn Phúc Lộc bạt núi để tạo mặt bằng xây chùa ở phía đông bắc cột cờ Lũng Cú (Ảnh: Hữu Thắng/tuoitre.vn)

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu phải bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh 2 hồ nước tại di tích. Phải được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó, cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn.

Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu phải tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên. Cũng như phải xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan.

Tháng 10/2010, hồ sơ công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đây là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.

Theo quy định của UNESCO, sau 4 năm được công nhận, nếu địa danh không đảm bảo các yêu cầu về bảo tồn thì sẽ bị rút danh hiệu. Ngày 12/11/2014, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO tái công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, giai đoạn 2015 - 2018.

Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng núi đá cao trên 1.000m, gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2.

Kể từ khi cao nguyên đá Đông Văn trở thành công viên địa chất toàn cầu, lượng khách du lịch đến với Hà Giang liên tục tăng, người dân cũng được hưởng lợi hơn nhờ du lịch.

Đến nay, 100% thôn bản, trường học trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn được tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản.

Người dân Thái Nguyên thấy xót khi hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng nhưng Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu hiện nay dở dang, làm mất thẩm mỹ, gây lãng phí

Chủ đầu tư nhiều "tai tiếng"

Liên quan tới Tập đoàn Phúc Lộc, tại tỉnh Thái Nguyên, tập đoàn này liên doanh với một đơn vị khác làm chủ đầu tư Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu đầu tư theo hình thức BT, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi triển khai dự án đã “lộ” ra nhiều sai phạm. Ngày 25/12/2016, tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư khởi công 2/9 dự án khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, chưa ký hợp đồng BT, Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) chưa được phê duyệt.

Đặc biệt, khi HĐND tỉnh Thái Nguyên chưa thông qua chủ trương chuyển từ Dự án thành Đề án, chưa có quyết định chủ trương đầu tư thì UBND tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư đã “vượt mặt” khởi công, thi công 2/9 dự án. Hậu quả là, sau gần 3 năm, dự án vẫn còn dang dở, làm mất thẩm mỹ, gây lãng phí.

Còn tại tỉnh Bình Định, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tại dự án BT do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư như: chưa được bàn giao mặt bằng, chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng nhưng vẫn tổ chức triển khai thi công.

Theo Thanh tra chính phủ, dù chưa được bàn giao mặt bằng của dự án, nhưng Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc đã tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục thuộc dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa khi chưa có thiết kế, bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng được phê duyệt là vi phạm quy định về quản lý xây dựng.

Hà Tinh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tap-doan-phuc-loc-pha-nui-xay-chua-tai-lung-cu-ha-giang-post31298.html