Tập đoàn ôtô GM đóng cửa 5 nhà máy, hơn 14.000 công nhân mất việc

Tập đoàn xe ôtô General Motors (GM) mới đây đã cho biết, họ sẽ dừng hoạt động của 5 nhà máy tại thị trường ở Mỹ và Canada từ đầu năm 2019 và cắt giảm hàng loạt nhân công tại đây.

Theo báo điện tử VTV, kế hoạch này ngay lập tức gây ra nhiều quan ngại. Các nhân viên của hãng tỏ ra lo lắng khi các nhà máy bị đóng cửa.

Không khí u ám bao trùm các nhà máy sẽ đóng của nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của General Motors, trong đó có Ohio (Mỹ) và Oshawa (Canada).

Tập đoàn xe ôtô General Motors (GM) mới đây đã cho biết, họ sẽ dừng hoạt động của 5 nhà máy tại thị trường ở Mỹ và Canada từ năm 2019. (Ảnh: Internet)

GM cho biết sẽ dừng hoạt động của 5 nhà máy tại Mỹ và Canada từ đầu năm tới, bao gồm nhà máy Oshawa ở Ontario (Canada) và 4 nhà máy tại Mỹ (Detroit-Hamtramck Assembly, Lordstown Assembly, Baltimore Operations, và Warren Transmission Operations).

GM sẽ phân bổ việc sản xuất tại các nhà máy này sang các nhà máy khác, trong bối cảnh thị hiếu của thị trường Mỹ đang thay đổi và doanh số của hãng sụt giảm.

Hai nhà máy lắp ráp xe tại Mỹ dự kiến sẽ dừng sản xuất vào năm sau hiện đang lắp ráp các mẫu xe du lịch đang bán rất chậm. Nhà máy Detroit-Hamtramck Assembly sản xuất các xe Buick LaCrosse, Cadillac CT6, Chevrolet Impala, và Chevrolet Volt. Nhà máy Lordstown Assembly sản xuất xe Chevrolet Cruze .

Theo Carscoops, ngoài 5 nhà máy ở Mỹ và Canada, GM cho biết sẽ ngừng sản xuất tại hai nhà máy khác ở ngoài khu vực Bắc Mỹ vào cuối năm 2019. Đó là chưa kể kế hoạch đóng cửa nhà máy Gunsan ở Hàn Quốc đã được GM công bố cách đây không lâu.

Việc GM đóng cửa 5 nhà máy sẽ khiến khoảng 3.300 công nhân ở Mỹ và 3.000 công nhân ở Canada mất việc. GM cũng hướng đến mục tiêu cắt giảm 8.000 nhân viên được trả lương khác.

Việc đóng cửa hàng loạt nhà máy được cho là sẽ giúp GM tiết kiệm gần 6 tỷ USD vào cuối năm 2020, gồm 4,5 tỷ USD cắt giảm chi phí và 1,5 tỷ USD giảm chi phí vốn.

Tuy nhiên, việc đóng cửa các nhà máy nói trên không phải là tất cả. GM còn dự kiến thực hiện thêm nhiều biện pháp khác, như cắt giảm nhân công và tổ chức lại đội ngũ nhân sự phát triển sản phẩm toàn cầu. GM sẽ giảm 15% nhân công cố định và 25% vị trí lãnh đạo.

“Những việc chúng tôi làm hôm nay một mặt giúp quá trình chuyển mình của chúng tôi diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, mặt khác đem đến sự linh hoạt cho chúng tôi trong hoạt động đầu tư trong tương lai,” Chủ tịch kiêm CEO Mary Barra của GM phát biểu.

Cụ thể hơn, GM sẽ tăng gấp đôi nguồn lực đầu tư vào các chương trình xe chạy điện và xe tự lái, tối ưu hóa danh mục sản phẩm bằng việc tăng cường chia sẻ phụ tùng, và hợp nhất các bộ phận. Ngoài ra, GM sẽ tinh giản các cơ sở phát triển sản phẩm toàn cầu và tăng cường sử dụng các công cụ ảo để giảm thời gian và chi phí phát triển sản phẩm.

Đây là đợt cải tổ lớn nhất tại khu vực khu vực Bắc Mỹ của hãng sản xuất ôtô số 1 nước Mỹ kể từ khi tuyên bố phá sản cách đây một thập kỉ. GM cho biết, mục đích cơ cấu của hãng nhằm tập trung phát triển ô tô điện và xe tự động, đối phó với doanh số bán xe truyền thống giảm sút trong khi chi phí tăng cao.

Quyết định tái cơ cấu của GM cũng vấp phải sự chỉ trích từ Tổng thống Mỹ khi đang nỗ lực bảo vệ công ăn việc làm của người dân Mỹ và thu hút các doanh nghiệp Mỹ "hướng nội".

Trả lời phỏng vấn tạp chí Wall Street, ông Trump cho rằng GM nên ngừng sản xuất xe ô tô tại Trung Quốc, thay vào đó nên sản xuất tại Mỹ.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định “sẽ làm mọi thứ có thể” để hỗ trợ những công nhân của GM.

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/tap-doan-oto-gm-dong-cua-5-nha-may-hon-14000-cong-nhan-mat-viec-d17127.html