Tập đoàn Lã Vọng đang có những dự án bất động sản nào ở Hà Nội?

Khởi nguồn từ ngành nhà hàng, Lã Vọng lấn sân sang bất động sản nhưng nhiều dự án của doanh nghiệp này đang đắp chiếu.

Ngày 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện các dự án của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng cùng các đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hà Nội.

Chính phủ muốn làm rõ phản ánh việc doanh nghiệp này cùng các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" tại Hà Nội không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Tại Hà Nội, Lã Vọng có nhiều dự án dính lùm xùm, chậm tiến độ, hoặc đắp chiếu.

Biệt thự hoang vắng tại huyện Quốc Oai

Nằm cạnh đại lộ Thăng Long, trên địa phận huyện Quốc Oai có một dự án khu đô thị bỏ hoang nhiều năm nay. Đó là dự án khu đô thị cao cấp Ngôi nhà mới của Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới, đây là một công ty con thuộc Tập đoàn Lã Vọng.

Khu đô thị xây mãi không xong của Lã Vọng ở Quốc Oai.

Khu đô thị xây mãi không xong của Lã Vọng ở Quốc Oai.

Dự án có quy mô 27,5 ha với 258 lô biệt thự, được chia làm 4 khu, nằm gần trung tâm huyện Quốc Oai và được phê duyệt từ tháng 3/2008. Đến nay, sau gần 10 năm, khu đô thị Ngôi nhà mới vẫn giậm chân tại chỗ.

Hiện toàn bộ dự án mới chỉ có vài hộ đã chuyển vào ở. Hầu hết biệt thự xây xong rồi để đó, hoặc xây dang dở, có căn mới làm xong phần móng.

Hệ thống giao thông nội bộ, chủ đầu tư xây dựng không đồng bộ. Đoạn được trải nhựa, đoạn mới trải đá răm. Khuôn viên, vỉa hè còn khá lộn xộn, vật liệu xây dựng tập kết khá nhiều, nhưng vỉa hè hiện để cỏ mọc hoang.

Lùm xùm dự án BT cải tạo quốc lộ 6

Tháng 7/2017, UBND TP. Hà Nội đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư được chỉ định thầu là Công ty cổ phần đầu tư Louis Group (Louis Group).

UBND TP. Hà Nội giải thích việc đề xuất chỉ định nhà đầu tư là do tính cấp thiết của dự án và kế thừa việc lựa chọn nhà đầu tư từ 7-8 năm trước.

Cụ thể, ngày 17/12/2009, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh đề xuất dự án.

Tính đến tháng 7/2017, Tổng công ty Sông Đà chỉ có 0,15% vốn góp tại Louis Group. Theo đó, Sông Đà Hà Nội chỉ còn 1 tỷ đồng (0,15%) và UDIC là 67,5 tỷ đồng (10%). Gần 90% cổ phần còn lại nằm trong tay Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An.

Louis Group thành lập ngày 9/3/2017, do ông Lê Văn Vọng là người đại diện pháp luật. Ông Vọng cũng là chủ tịch, cổ đông sáng lập của Tập đoàn Lã Vọng.

Dự án Louis City được đổi từ hợp đồng BT cải tạo Quốc lộ 6. Ảnh: Lao Động.

Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới chính là công ty chuyên về đầu tư thuộc Tập đoàn Lã Vọng. Công ty này đang có dự án giậm chân tại Quốc Oai. Còn 2 cổ đông sáng lập Công ty Đại An là ông Lê Văn Vân và bà Ngô Thị Toàn. Ông Lê Văn Vọng và ông Lê Văn Vân có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Theo hợp đồng BT, UBND TP. Hà Nội phải dùng nhiều lô đất để trả cho nhà đầu tư Louis, trong đó có nhiều lô đất vàng.

Việc chỉ định thầu cho doanh nghiệp mà Lã Vọng giữ phần lớn cổ phần, tại dự án quan trọng của Quốc lộ 6 làm cho nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch. Ngoài ra, năng lực tài chính của Lã Vọng cũng bị đặt dấu hỏi lớn, khi doanh nghiệp này có nhiều dự án bất động sản đắp chiếu.

Chuyển đổi mục đích đất của cơ quan Nhà nước

Ngày 8/1/2014, UBND TP. Hà Nội đã cho phép Công ty đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (Công ty Sông Nhuệ) và Công ty Ngôi nhà mới (thuộc Lã Vọng) thực hiện dự án trụ sở làm việc (cơ sở 2 tại khu đô thị Xa La) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại.

Đến ngày 16/1/2015, Công ty Sông Nhuệ ký một hợp đồng ủy quyền “toàn diện” cho Công ty Ngôi nhà mới thực hiện đầu tư xây dựng dự án trên. Sau sự hợp tác này, hiện Công ty Sông Nhuệ phải đi thuê văn phòng và nhường “đất vàng” 10.553 m2 cho Công ty Ngôi nhà mới thực hiện dự án New House Xa La.

Như vậy, Ngôi nhà mới được quyền khai thác khu “đất vàng” không cần phải thâu tóm doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa như nhiều đại gia bất động sản khác.

Một nhà hàng của Lã Vọng ở hồ Đống Đa.

UBND TP. Hà Nội tại thời điểm đó chưa có chủ trương cổ phần hóa Công ty Sông Nhuệ. Và Ngôi nhà mới đã xây dựng tại New House Xa La với khu nhà biệt thự liền kề, khu mua sắm, chung cư cao cấp (21 tầng nổi + 1 tầng hầm).

Nhiều nhà hàng bị tố mọc lên có dấu hiệu sai phép

Lã Vọng có một số công trình bị tố "mọc" sai quy định, như nhà hàng Lã Vọng tại khu Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy), nơi vốn được quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh, vườn hoa. Một công trình tương tự cũng sai phạm tương tự tại hồ Đống Đa, trên mặt đường Hoàng Cầu.

Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng thành lập từ năm 2003, được biết đến với chuỗi nhà hàng Lã Vọng. Doanh nghiệp này cũng đã triển khai các dự án bất động sản tại Hà Nội.

Tập đoàn Lã Vọng còn sở hữu một một loại nhà hàng lớn tại Hà Nội như: Nhà hàng Sashimi BBQ Garden (số 2B Nguyễn Thị Thập), nhà hàng Thế Giới Beer Lã Vọng (số 169 Hoàng Ngân), nhà hàng Hải sản Lã Vọng (số 2A Nguyễn Thị Thập), nhà hàng Hầm Beer Lã Vọng (số 2C Nguyễn Thị Thập)….

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tap-doan-la-vong-dang-co-nhung-du-an-bat-dong-san-nao-o-ha-noi-post850710.html