Tập đoàn Hòa Phát - đại gia ngành thép vẫn đứng vững trong đại dịch

Hơn 1/4 thế kỷ đi qua với xuất phát điểm từ một công ty chuyên kinh doanh các loại máy xây dựng vào tháng 8/1992, đến nay vượt qua biết bao khó khăn thử thách, Hòa Phát đã trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam, một thương hiệu nằm trong Top 500 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam.

Kinh doanh ngành thép tăng trưởng

Kết quả kinh doanh của Hòa Phát trong bối cảnh Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 1 - 15/4/2020 vẫn hết sức khả quan.

Tháng 4/2020, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát đạt 270.000 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng 17% so với tháng 4/2019 với hơn 20.000 tấn. Ngoài thép xây dựng thành phẩm, Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 180.000 tấn phôi, chủ yếu sang Trung Quốc, quốc gia luôn áp đảo ngành thép thế giới.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát tăng trưởng ở cả 3 miền so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là khu vực phía Nam tăng trưởng 67,1% với gần 56.000 tấn.

Sản xuất thép cây tại Công ty Hòa Phát. Ảnh: Trần Dũng

Sản xuất thép cây tại Công ty Hòa Phát. Ảnh: Trần Dũng

Xuất khẩu thép thành phẩm của Hòa Phát vẫn tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu trong tháng bao gồm các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Canada, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với phôi thép, lượng xuất khẩu phôi thép trong tháng 4 cũng tăng tới 35,5% so với tháng 3/2020 khi đạt gần 183.000 tấn. Thị trường nhập khẩu phôi thép của Hòa Phát chủ yếu là Trung Quốc, Philippines, Thái Lan.

Tính chung cả sản lượng tiêu thụ thép xây dựng thành phẩm và phôi thép, trong tháng 4 vừa qua, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 450.000 tấn sản phẩm thép các loại.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 530.000 tấn phôi thép. Sản lượng thép xây dựng thành phẩm đạt trên 1 triệu tấn, tăng hơn 7% so với 4 tháng đầu năm 2019. Trong đó, sản lượng lượng thép thành phẩm xuất khẩu là 155.000 tấn, tăng 63,5% so với cùng kỳ.

Trong gần 28 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát) phát triển kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, đồ nội thất cho đến bất động sản… song cốt lõi của Hòa Phát vẫn là sản xuất thép xây dựng. Với số lượng lớn thép xây dựng cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, Hòa Phát được ví von là “đại gia” ngành thép hay “Vua thép” tại thị trường Việt Nam.

Liên tục từ những năm 2000, thị phần sản phẩm thép xây dựng và ống thép của Hòa Phát luôn vững vàng ở vị trí số 1. Ở thời điểm tháng 10/2019, thị phần thép xây dựng Hòa Phát đạt 25% và ống thép Hòa Phát đạt 31%.

Kết thúc năm 2019, Hòa Phát xuất khẩu hơn 265.000 tấn tới các thị trường trên thế giới, tăng 11,3% so với năm 2018. Sản phẩm thép xây dựng Hòa Phát đã được xuất khẩu tới các nước Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Brunei… Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu xuất khẩu 400.000 tấn thép xây dựng.

Được xem là nhà lãnh đạo có chiến lược kinh doanh thận trọng, chắc chắn và có tầm nhìn xa, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát rất nổi tiếng với câu nói: “Nếu thị trường có sập, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng”. Lý giải cho điều này, ông Long nói, nguyên tắc của Hòa Phát không phải là tính lúc mọi sự đang thuận, mà phải tính lúc thị trường xấu nhất, thấp nhất mà mình vẫn sống được và khi tìm được phương án tốt rồi mới quyết định đầu tư.

Nhìn vào thực tế phát triển của Hòa Phát trong lĩnh vực thép cùng các con số doanh thu, lợi nhuận mà mảng kinh doanh này đang đóng góp cho cả tập đoàn, câu nói trên còn cho thấy những cách thức và khả năng mà Hòa Phát có thể làm được trong cuộc chiến giành thị phần và đối thủ không dễ để đối trọng lại với thời gian dài.

“Để đạt kết quả trên, Hòa Phát luôn đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng cho các loại sản phẩm thép, không ngừng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo đà cho tiêu thụ các sản phẩm thép Hòa Phát tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu trong năm 2020 và những năm tiếp theo” - ông Trần Đình Long nhấn mạnh.

“Át chủ bài” mang tên Dung Quất

Hòa Phát đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn sản xuất công nghiệp đa ngành hàng đầu Việt Nam với doanh thu khoảng 100.000 tỷ đồng/năm từ năm 2020. Trong đó, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất (Dự án Dung Quất) được xem là quân bài quan trọng trong hành trình chinh phục những đỉnh cao mới của Hòa Phát.

Dự án Dung Quất với tổng cộng 4 lò cao, công suất 4 triệu tấn thép, gồm 2 triệu tấn thép xây dựng và 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng đang được Hòa Phát triển khai. Đây chính là “siêu dự án” chiến lược của Hòa Phát để bảo đảm vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Với vị trí địa lý của dự án Dung Quất này, Hòa Phát sẽ nhắm đến khu vực miền Nam và miền Trung là thị trường mục tiêu chính, nơi Hòa Phát mới chỉ chiếm khoảng 9% thị phần. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Hòa Phát đã tích cực thâm nhập 2 thị trường này. Số liệu báo cáo cho thấy tổng sản lượng tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm ở 2 thị trường nói trên đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 29,5% tổng sản lượng tiêu thụ.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sự chững lại của thị trường bất động sản và chậm trễ trong đầu tư cơ sở hạ tầng có thể khiến nhu cầu thị trường chậm lại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải tỏa công suất lớn của dự án Dung Quất. Để giải quyết, Hòa Phát đã chuyển đổi một phần sang bán phôi thép cho các DN thép xây dựng trong miền Nam.

Cụ thể, trong tháng 10 và 11/2019, Hòa Phát đã bán 60.000 tấn phôi cho Vina Kyoei, DN có thị phần thép xây dựng lớn nhất tại miền Nam. Hòa Phát còn có lợi thế lớn là phôi thép của Khu liên hợp Hòa Phát - Dung Quất chỉ tốn khoảng 48 giờ để vận chuyển từ cảng Hòa Phát - Dung Quất đến Bà Rịa - Vũng Tàu cho Nhà máy Vina Kyoei chạy cán thép ngay.

Sản lượng 2 triệu tấn/năm thép cuộn cán nóng ở giai đoạn II của dự án Dung Quất chính là động lực tăng trưởng chính cho Hòa Phát. Hiện tại, ở Việt Nam, chỉ có Formosa Hà Tĩnh có khả năng cung ứng sản phẩm này nhưng chưa thể phục vụ hết nhu cầu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu nội địa cho sản phẩm thép cuộn cán nóng khoảng 12 triệu tấn/năm, trong đó Formosa chỉ đáp ứng chưa đến 20%.

Trước áp lực từ dự án Dung Quất của Hòa Phát, các DN thép khác ở Việt Nam đang có những động thái nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh. Nhiều DN sản xuất thép đang đổ về miền Trung để xây dựng các nhà máy mới, trong đó không thể không kể đến Công ty Thép Nam Kim và Tập đoàn Hoa Sen.

Tuy nhiên, với những lợi thế lớn mà dự án Dung Quất mang lại, Hòa Phát được đánh giá sẽ có những bước phát triển dài hạn với triển vọng tích cực.

Bằng chứng là, mới đây Hòa Phát cho biết sẽ xin ý kiến cổ đông để rót thêm 60.000 tỷ đồng mở rộng “siêu dự án” Dung Quất. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, với kế hoạch táo bạo này, áp lực huy động vốn không làm khó được Hòa Phát.

Với việc đầu tư bài bản và có tầm nhìn xa cho lĩnh vực được coi là “bánh mỳ của công nghiệp”, Hòa Phát giờ đây đang bước vào giai đoạn trưởng thành để chuẩn bị cho những bước tăng tốc mới. Lẽ dĩ nhiên, để có được bước trưởng thành như hôm nay còn là cả một quá trình tích lũy về nhân lực, khoa học kỹ thuật, công nghệ, cũng như quản trị, tiềm lực tài chính.

"Hòa Phát luôn đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng cho các loại sản phẩm thép, không ngừng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo đà cho tiêu thụ các sản phẩm thép Hòa Phát tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu trong năm 2020 và những năm tiếp theo" - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tap-doan-hoa-phat-dai-gia-nganh-thep-van-dung-vung-trong-dai-dich-384372.html