Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Tập trung phát triển năng lượng sạch

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 2021, nước ta có có thể đứng trước nguy cơ thiếu điện. Vì vậy, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện và sử dụng điện tiết kiệm, phát triển năng lượng sạch được xem là giải pháp khả thi.

Phát triển năng lượng sạch là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh năng lượng truyền thống đã khai thác hết tiềm năng.

Nguy cơ thiếu điện từ năm 2021

Đầu năm 2020, tuy nhu cầu năng lượng giảm do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhưng nhu cầu phụ tải điện toàn quốc vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trên 11%. Đặc biệt, đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng trong tháng 6 này đã khiến sản lượng tiêu thụ điện tăng kỷ lục, đạt 38.300MW vào ngày 23-6 (trước đó, ngày 21-6, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc đạt 38.147MW, cao hơn mức đỉnh năm 2019 là 37.800MW).

Trong khi đó, tình hình thủy văn bất lợi đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các nhà máy thủy điện. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm, trong tháng 5-2020, dù có mưa lớn tại một số khu vực nhưng lượng nước về các hồ chứa vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 30%-60% trung bình nhiều năm. Do đó, tổng sản lượng thủy điện trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 9,48 tỷ kWh, thiếu hụt 3,26 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

“Dự kiến, năm 2020, EVN vẫn cơ bản bảo đảm đủ nhu cầu điện, nhưng từ năm 2021 trở đi, nguy cơ thiếu điện sẽ hiện hữu. Riêng tình trạng thiếu điện ở miền Nam kéo dài đến tận năm 2025 nếu phụ tải tăng trưởng cao, lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp”, ông Võ Quang Lâm nhận định.

Đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng thông tin, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam hiện đạt khoảng 55.000MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 (khoảng 4.300MW, trong đó có gần 2.000MW điện gió và mặt trời), tổng công suất mới đạt gần 60.000MW. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000MW.

“Hiện, chúng ta đã nhập khẩu than, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khí để sản xuất điện. Khi phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, thì rủi ro thiếu điện sẽ tăng”, ông Hoàng Tiến Dũng phân tích.

Giải pháp phát triển năng lượng sạch

Dự báo của ngành Điện cho biết, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu điện năng tăng khoảng 8,5%-9,5%/năm. Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện than, thủy điện... đã khai thác hết tiềm năng, việc tập trung phát triển năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, điện khí hóa lỏng...) là yêu cầu cấp bách.

Theo ông Võ Quang Lâm, thời gian qua, với hàng loạt các chính sách khuyến khích, điện mặt trời đã có tổng công suất 5.000MW, điện gió cũng lên mức gần 1.000MW. Dự kiến 1-2 năm tới, hàng nghìn MW điện gió sẽ tiếp tục được đưa vào vận hành, bổ sung cho lưới điện quốc gia. Tuy vậy, việc phát triển nguồn năng lượng này cũng vấp phải nhiều thách thức.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Tâm Tiến cho biết, chi phí đầu tư cho điện gió khá lớn do gần như toàn bộ thiết bị phải nhập ngoại. Chưa kể việc lắp đặt và xây dựng dự án điện gió đòi hỏi thiết bị siêu trường, siêu trọng, đặc chủng - vốn ở Việt Nam rất thiếu. Do vậy, chính sách khuyến khích, ưu đãi giá mua điện gió, điện mặt trời cần kéo dài phù hợp với đặc thù trên.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay để giảm chi phí đầu tư, nâng hệ số công suất. Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, với chiến lược tăng trưởng kinh tế chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, rất cần cụ thể hóa nhiều chính sách tạo tiền đề thúc đẩy lĩnh vực năng lượng sạch phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TƯ ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nền tảng cơ bản là việc triển khai hai quy hoạch lớn: Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam và Quy hoạch điện lực quốc gia Việt Nam cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Công Thương sẽ xây dựng cơ chế tổ chức đấu thầu, lựa chọn các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời. Với cơ chế này, các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm không phải lo về quy hoạch. Và việc cạnh tranh công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển dự án, đồng thời bổ sung cho lưới điện quốc gia”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ.

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/971580/tap-doan-dien-luc-viet-nam-tap-trung-phat-trien-nang-luong-sach