Tập đoàn điện lực Việt Nam: Sức mạnh đoàn kết trong phong trào Thi đua yêu nước

Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vào chiều qua (18/9), Tổng Giám đốc (TGĐ) EVN Trần Đình Nhân khẳng định, việc tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời chỉ ra những tồn tại để ra nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Hội đồng thành viên và TGĐ nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho EVN.

Chủ tịch Hội đồng thành viên và TGĐ nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho EVN.

Theo Phó TGĐ EVN Võ Quang Lâm, giai đoạn 2016-2020, EVN đã phát động và phối hợp tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi với các hình thức phong phú, đa dạng gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tiếp tục duy trì nhiều phong trào thi đua truyền thống mang lại hiệu quả thiết thực như Phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, “Phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu”, phong trào thi đua “Thực hiện Chương trình tiết kiệm điện”, phong trào “Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán lẻ đến hộ nông thôn”… trong khối các Tổng công ty Điện lực.

Phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật phát triển mạnh trong Tập đoàn và các đơn vị. EVN đã tổ chức thực hiện gần 20 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp EVN với kinh phí khoảng 35 tỷ đồng. Các cấp đơn vị cũng có hàng trăm nhiệm vụ KHCN và đề tài được thực hiện, đã tiết kiệm cho EVN giá trị hàng trăm tỷ đồng. Nhiều tập thể, cá nhân được nhận giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam.

Với những kết quả này, EVN sẽ tiếp tục duy trì các phong trào thi đua trong từng Khối, đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua, gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tập trung chỉ đạo, tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và các phong trào thi đua liên kết trên các công trình xây dựng nguồn và lưới điện.

Cũng theo báo cáo này, EVN đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong 5 năm qua. EVN đã đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, ổn định, kinh tế, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, EVN đã đưa vào vận hành các dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 240 MWp, đã hỗ trợ và phối hợp các Nhà đầu tư đưa vào vận hành gần 100 nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất trên 5.000 MW để bổ sung nguồn cấp điện Quốc gia.

Công tác dịch vụ khách hàng chuyển biến vượt bậc, đã cung cấp dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm ASEAN 4. Các dịch vụ về điện tiếp tục phát triển, được đa dạng hóa hình thức cung cấp nhằm tạo sự thuận lợi cho khách hàng và minh bạch trong các giao dịch đã được khách hàng ghi nhận thông qua điểm đánh giá mức độ hài lòng khách hàng ngày càng cao.

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, vươn lên đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. Đây cũng là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là 1 trong 3 chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam

Công tác đầu tư cung ứng điện cho các vùng miền núi khó khăn đã được EVN chú trọng với kết quả, trên 51.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn, vùng biên giới đã được cấp điện; Đồng thời tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp cho 90.160 hộ dân tại 35 xã. Đến cuối năm 2019, 100% số xã trên cả nước có điện và 99,52% số hộ dân (trong đó 99,25% số hộ dân nông thôn) được sử dụng điện. EVN cũng đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo trên cả nước, đặc biệt đã cấp điện và quản lý vận hành cho huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng công suất của hệ thống điện Việt Nam là 59.210 MW, trong đó công suất nguồn điện do Công ty mẹ EVN và các Tổng công ty Phát điện sở hữu, chi phối là 29.970MW (chiếm 50,6% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống). Trên cơ sở này, EVN đặt mục tiêu, đến năm 2025, điện thương phẩm dự kiến đạt khoảng 335 tỷ kWh; Hoàn thành đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.840 MW.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/doanh-nhan/tap-doan-dien-luc-viet-nam-suc-manh-doan-ket-trong-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-544148.html