Tập đoàn Điện lực lập công ty Viễn thông và CNTT, 'rón rén' ra chiến lược cung cấp nội bộ

EVN vừa thành lập Công ty Viễn thông Điện lực và CNTT, nhưng tuyên bố chỉ cung cấp dịch vụ cho nội bộ của mình.

Ông Phạm Dương Minh, Giám đốc Công ty Viễn thông Điện lực và CNTT phát biểu tại buổi ra mắt công ty. Ảnh: EVN

Ông Phạm Dương Minh, Giám đốc Công ty Viễn thông Điện lực và CNTT phát biểu tại buổi ra mắt công ty. Ảnh: EVN

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN vừa thành lập Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT). Động thái này cho thấy, EVN quyết tâm quay lại lĩnh vực mà vốn họ cần và đã có thế mạnh.

Thông tin từ EVN cho hay, Hội đồng thành viên EVN có quyết định chuyển đổi Trung tâm Viễn thông và Công nghệ Thông tin thành Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin từ ngày 16/8/2017.

Trong thời gian qua, EVNICT đã thực hiện thành công nhiều sản phẩm, dự án quan trọng như: Triển khai và áp dụng hệ thống quản lý nguồn lực (ERP) đến đơn vị điện lực cấp huyện tạo thay đổi lớn trong công tác quản lý tài chính kế toán, vật tư, tài sản; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý khách hàng CMIS, chương trình quản lý văn bản E-office đồng bộ trong toàn ngành; tiếp nhận, tổ chức, vận hành hệ thống hệ thống viễn thông dùng riêng của EVN…

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm khẳng định, với vai trò là đơn vị đầu mối về công tác viễn thông và công nghệ thông tin của Tập đoàn, EVNICT có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Điện. Sản phẩm và dịch vụ của EVNICT đã được ứng dụng rộng khắp trong Tập đoàn, đáp ứng mục tiêu thống nhất các quy trình nghiệp vụ, hỗ trợ quản lý, điều hành xuyên suốt từ Tập đoàn đến các đơn vị trực thuộc.

Ông Phạm Dương Minh, Giám đốc EVNICT cho biết, EVNICT sẽ đảm bảo sự vận hành hiệu quả các phần mềm công nghệ thông tin, đưa công nghệ 4.0 và tự động hóa vào phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh của EVN; đồng thời, vận hành ổn định, thông suốt hệ thống viễn thông dùng riêng của Tập đoàn EVN.

Trước thời điểm năm 2011, Chính phủ đã quyết định chuyển EVN Telecom từ EVN sang Viettel. Tại thời điểm đó, Văn phòng Chính phủ cho rằng, EVN đầu tư vào lĩnh vực viễn thông được một thời gian, tuy nhiên hiệu quả hoạt động thấp, kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả lớn. Theo đề nghị của EVN và Viettel, ý kiến của các bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện việc điều chuyển này. Việc điều chuyển EVN Telecom từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Viettel là cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện, thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2030. Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc bàn giao này để cơ cấu lại để mỗi doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có các tập đoàn kinh tế nhà nước chuyên sâu vào ngành nghề kinh doanh chính với đội ngũ cán bộ am tường kinh tế, kỹ thuật để doanh nghiệp có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn.

Thật ra, khi bắt đầu ngành viễn thông mở cửa thị trường và EVN chính thức nhảy vào lĩnh vực viễn thông nhiều người đã cho rằng EVN Telecom sẽ là đối thủ lớn của VNPT sau này. Sở dĩ nhiều người đưa ra ý kiến như vậy, bởi EVN thực sự có nhiều thế mạnh để nhảy vào lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là thế mạnh truyền dẫn. Cho đến thời điểm này EVN vẫn là doanh nghiệp nếu được phát huy sẽ có hạ tầng mạnh nhất ở trong nước. Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Sự thất bại của EVN trong kinh doanh viễn thông được nhiều ý kiến cho rằng một ngành nặng độc quyền nhà nước khó có thể đi kinh doanh dịch vụ theo hướng thị trường. Trong khi đó thị trường viễn thông Việt Nam cạnh tranh quá khốc liệt. Thêm cạnh đó khó khăn về lựa chọn công nghệ và băng tần kém đã đẩy EVN Telecom quá khó khăn.

Mặc dù EVN vừa thành lập Công ty Viễn thông Điện lực và CNTT, nhưng có thể thấy EVN vẫn "rón rén" tuyên bố mảng viễn thông mới chỉ là hệ thống viễn thông dùng riêng cho EVN. Có lẽ đây là bước đi mang tính thăm dò của EVN Telecom mà nhiều ý kiến cho rằng đó là động thái sau tình thế "chim gặp bão sợ cành cong". Đối với mảng CNTT, EVN đang bắt tay nhiều đối tác để cung cấp giải pháp CNTT cho họ. Với việc lập công ty về CNTT sẽ giúp cho Tập đoàn này ứng dụng CNTT tốt hơn.

Cho đến thời điểm này, EVN vẫn là đối thủ nặng ký của VNPT, Viettel nếu họ quay sang đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh về truyền dẫn. Nếu quản lý tốt, EVN có thể có thêm nguồn thu tốt nếu kinh doanh về truyền dẫn và cho thuê cột treo cáp tránh trường hợp bị nhà mạng, nhà đài treo trộm cáp trên cột điện.

Cũng có ý kiến cho rằng, sau một thời gian mang tính thăm dò, EVN sẽ nhắm mạnh vào mảng cung cấp dịch vụ truyền dẫn cho các doanh nghiệp. Nếu EVN tiến quân mạnh vào lĩnh vực này sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp viễn thông và Internet không có hoặc chưa đủ về hạ tầng có thể một nhà cung cấp dịch vụ.

Thái Khang

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/nghi-quyet-36nqtw/tap-doan-dien-luc-lap-cong-ty-vien-thong-va-cntt-ron-ren-ra-chien-luoc-cung-cap-noi-bo-160735.ict