'Tập đoàn cái bang' bao vây người đi đường

Những tháng cuối năm, trên nhiều giao lộ của TP.Biên Hòa lại bắt đầu xuất hiện bóng dáng người ăn xin. 'Tập đoàn ăn xin' tủa ra khắp nơi để hành nghề, bao vây lấy người đi đường.

Video: “Cái bang” lại xuất hiện nhiều trên phố

Kiếm sống bằng nghề ăn xin

Sau một thời gian vắng bóng, gần đây, “tập đoàn cái bang” lại xuất hiện trên khắp các tuyến đường tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. “Tập đoàn cái bang” này gồm những em bé Campuchia, nhiều bà mẹ địu theo con nhỏ và cả những ông, bà đã lớn tuổi. Tất cả tạo thành một “bức tranh” không mấy mỹ quan tại đô thị loại 1 này.

Những em bé Campuchia ăn xin tại ngã tư Amata

Những em bé Campuchia ăn xin tại ngã tư Amata

Theo ghi nhận của PV, tại các giao lộ lớn, bé trên địa bàn TP.Biên Hòa đều xuất hiện các tấm biển nghiêm cấm phát tờ rơi, hành nghề ăn xin. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, nhiều người già, trẻ nhỏ vẫn ra đường hành nghề "cái bang".

Cụ thể, tại các giao lộ như Đồng Khởi - QL1A, Đồng Khởi - Nguyễn Ái Quốc, Bùi Văn Hòa - QL51, khu vực ngã ba Vườn Mít, khu cầu Mới Hóa An,… thường xuyên xuất hiện người ăn xin.

Đặc biệt, khu vực ngã tư Amata và nhiều cây xăng trên địa bàn, tình trạng ăn xin diễn ra hàng ngày. Hình ảnh những em bé đen nhẻm, gầy còm cầm chiếc ca nhựa, bé trai nhỏ thó gầy gòm địu theo em, hững bà mẹ địu theo con đang nằm ngủ mê man,... ngả nón xin tiền khiến người đi đường thương cảm, xót xa.

Mỗi lần đèn giao thông chuyển sang màu đỏ, các em bé, phụ nữ địu con cùng nhau tủa ra đường để đưa những chiếc ca nhựa xin người đi đường chia sẻ khó khăn. Thậm chí, nhiều em bé sẵn sàng quỳ sụp xuống nền đường với mong muốn xin được tiền.

Người phụ nữ địu theo con đi ăn xin

Nhìn những cảnh tượng đau lòng như vậy, rất nhiều người đi đường sẵn sàng móc hầu bao cho tiền. Bên cạnh đó, cũng có những người bực bội khi bị ăn xin đu bám, nhiều người từ chối cho tiền, nhiều người lại buộc phải cho tiền để đỡ phiền.

Trong khi đó, tại các trạm xăng, người ăn xin chủ yếu là những cụ ông tuổi đã cao tuổi. Khi thấy khách vào đổ xăng, người ăn xin sẽ chạy đến xin tiền. Nếu bị từ chối không cho tiền, người ăn xin vẫn cố gắng năn nỉ, đeo bám.

Đặc biệt hơn, nhiều người lại xuất hiện tại các trạm xăng bằng cách cầm theo bịch tăm bông để giả vờ bán tăm nhưng thực chất hành nghề ăn xin.

Anh Nguyễn Minh Hướng (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, bản thân anh muốn mọi người ngưng cho người ăn xin tiền.

Nhiều người sẵn sàng móc hầu bao chia sẻ với người ăn xin.

Bởi theo anh, người ăn xin có năm bảy loại, thật giả lẫn lộn nên không biết tin ai, chừa ai. Bản thân anh Hướng biết các tỉnh đều có trung tâm bảo trợ, những nơi này dành cho người già neo đơn, trẻ em lang thang không nơi nương tựa,… Tuy nhiên, những người ăn xin lại không vào trung tâm mà chọn cách ra đường đi ăn xin nên anh cảm thấy rất ái ngại.

Anh Hướng nói: “Biết đâu mình lại nghèo hơn họ hoặc mình đang làm việc thiện sai cách. Tôi theo dõi báo đài nhiều nên biết bây giờ người chăn dắt ăn xin rất nhiều nên có khi chúng ta đang tiếp tay cho những kẻ bất lương. Suy cho cùng, ăn xin là họ làm ra vẻ rất đáng thương, dùng mọi cách để khiến người khác phải thương, phải móc tiền cho họ. Nhưng đôi khi mình chỉ thấy bề nổi, chẳng soi được bề chìm. Vì thế tôi thà mang tiếng keo kiệt còn hơn cho tiền họ".

Trái ngược với quan điểm trên, chị Hoàng Thị Mến, người dân TP.Biên Hòa cho rằng, lá lành phải đùm lá rách, cần phải hỗ trợ lẫn nhau. “Tôi nghĩ họ nghèo họ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn,… nên mới phải đi ăn xin vì giàu có chắc không ai làm vậy. Thôi thì không cần biết quá nhiều, tôi vẫn chọn cách chia sẻ mọi điều với họ. Vì trong mắt tôi họ thật đáng thương”, chị Mến tâm sự.

Mưu sinh kiếm sống

Để có thêm những cách nhìn khác về những người ăn xin, PV đã tiếp xúc, trao đổi với những người "hành nghề" này. Lân la hỏi chuyện, PV được biết các phụ nữ, trẻ em Campuchia ăn xin tại Việt Nam nhưng không thông thạo tiếng Việt.

Số ít những người này có biết một số từ đơn giản để giao tiếp còn lại chủ yếu vẫn nói chuyện bằng tiếng Campuchia. Thông thường, những phụ nữ sẽ hiểu tiếng Việt nhiều hơn trẻ em do họ qua Việt Nam ăn xin từ rất lâu.

Trẻ lớn địu trẻ nhỏ dắt díu nhau đi ăn xin.

Trao đổi với PV, người phụ nữ tên Xẻn cho biết, cả khu vực họ sinh sống đều kéo nhau qua Việt Nam ăn xin. Họ coi đây là "nghề" bởi “làm ăn được". Do đó, họ rủ nhau cùng đi, đưa tất cả, kể cả con cái qua Việt Nam để ăn xin.

Mỗi năm, họ rủ nhau sang Việt Nam theo đợt và theo nhóm, phân chia ra mỗi người đi một địa điểm để ăn xin. Người này cũng thật thà nói rằng, người Việt Nam rất hay cho tiền và tốt bụng còn ở nước họ không ăn xin được vì không ai cho tiền.

“Chúng tôi đi theo nhóm và có thuê nhà trọ để ở. Ban ngày và đầu tối, chúng tôi đi xin rồi về nhà trọ ngủ. Những đứa trẻ không đi học, đẻ ra đã đi ăn xin và "nghề" này dễ kiếm tiền”, người phụ nữ này chia sẻ.

Trong khi đó, những em bé đi ăn xin, khi được hỏi chỉ bẽn lẽn cười, đùn đẩy nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn không quên chìa ra chiếc ca nhựa đầy những đồng lẻ về phía chúng tôi. Khi được cho tiền, chúng tỏ ra vui sướng sau đó kéo nhau ra góc đèn đỏ nói chuyện với nhau bằng tiếng “mẹ đẻ”.

Rời ngã tư đường, chúng tôi có mặt tại cây xăng T.T. và cây xăng N.P. thuộc phường Tân Phong, TP.Biên Hòa. Tại đây, theo quan sát của chúng tôi, một cụ ông khoảng 70 tuổi cũng thường xuyên hành nghề. Để tránh bị phiền hà, cụ ông này mang theo một bịch tăm bông đeo lủng lẳng trên tay, giả vờ bán tăm bông để tiện ăn xin.

Sau khi cho tiền, PV cố gắng trao đổi với cụ với hy vọng có được ít thông tin về cuộc sống của người này. Cụ cho biết, cụ tên T. quê ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cụ vào đây mưu sinh khoảng 7 năm và hiện thuê trọ sống ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa.

Mỗi ngày, cụ bắt xe buýt hoặc xe ôm đến các cây xăng “mối” để "hành nghề". Cụ thường “làm việc” từ sáng đến khoảng 11h trưa sau đó nghỉ đến chiều tối lại tiếp tục đến khoảng 20-21h đêm mới về nghỉ.

Các bé được "người lạ" giúp.

Khi được hỏi vì sao phải làm việc này, cụ cho biết, con cái cụ khó khăn và cụ không muốn phiền con, muốn tự kiếm sống nuôi thân. “Mỗi ngày xin được mấy chục ngàn, có khi hơn trăm ngàn, tôi để ăn uống, dành dụm trả tiền nhà trọ sống qua ngày. Cũng không biết đi xin là sai nhưng chắc không phạm pháp, ai cho thì lấy không cho thì thôi. Nhưng chắc cũng làm ít năm nữa rồi về quê chứ cũng già yếu quá rồi”, cụ T. nói.

Trước đó, nhiều phường trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng mời một số người già và trẻ em hành nghề ăn xin về phường để đưa vào trung tâm bảo trợ. Tuy nhiên những người này đều từ chối vào trung tâm, muốn sống bên ngoài để ăn xin.

"Khó quản lý lắm vì họ không muốn vào, chỉ muốn tự sống, tự lo cho mình. Còn trẻ em đưa chúng vào chúng cũng lẩn chạy trốn hết", anh Hùng, một cán bộ phường chia sẻ.

Khó khăn trong công tác xử lý

Về vấn đề này bà Lưu Kim Sáng, phòng Lao động thương binh và xã hội Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi năm UBND TP.Biên Hòa đều ban ra rất nhiều văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng ăn xin gửi về các phường xã. Mục đích để các phường, xã phối hợp với ngành chức năng để xử lý tình trạng này, và đưa những người ăn xin vào trung tâm huấn nghệ cô nhi.

"Phường, xã thường xuyên ra quân gom những người ăn xin để đưa về trung tâm nhưng khi thấy cán bộ đến là những người ăn xin "biến mất" rất nhanh chóng. Còn nếu gom được họ đưa về trung tâm cũng có người đến bảo lãnh ra, không chịu ở. Riêng những người Campuchia thì sau khi gom về sẽ lập hồ sơ rồi đưa về TP.HCM, sau đó sẽ có ngành chức năng gửi họ về lại nước bạn. Chúng tôi cũng rất đau đầu về tình trạng này nhưng rất khó khăn trong công tác xử lý, quản lý. Chỉ mong là người dân hạn chế cho tiền những người ăn xin để họ chấp nhận vào các trung tâm hỗ trợ họ ăn ở, lo cho cuộc sống của họ", bà Sáng cho biết.

Nguyễn Nhâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tap-doan-cai-bang-bao-vay-nguoi-di-duong-a413730.html