Tạo việc làm bền vững để hướng tới quốc gia thu nhập trung bình cao

Việc làm thỏa đáng và các trụ cột về tạo việc làm, an sinh xã hội, quyền tại nơi làm việc, đối thoại xã hội đã trở thành những thành phần không thể thiếu trong Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm bền vững và thỏa đáng tổng hợp những khát vọng của con người đối với quá trình lao động, làm việc. Tại Việt Nam, việc làm thỏa đáng từ lâu đã được xem là một cấu phần của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng.

Việc làm bền vững hướng tới việc chia sẻ lợi ích công bằng hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Việc làm bền vững hướng tới việc chia sẻ lợi ích công bằng hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Phát biểu tại Hội thảo đánh giá cuối kỳ về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2017- 2021 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với ILO Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng xác định 3 ưu tiên gồm: Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng tại Việt Nam đã đạt được một số thành quả về xây dựng quan hệ lao động phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đã cải thiện khung pháp lý về quan hệ lao động khi mở rộng vai trò của các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động… Tuy nhiên, để đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động cần nhiều hơn thế, không chỉ là các quy định, chính sách lao động.

Mặt khác, việc làm thỏa đáng có được hay không cần sự tham gia của nhiều bộ ngành mà tưởng chừng như không liên quan đến lao động, việc làm. Tuy nhiên, ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn về quản lý kinh tế (Economica Vietnam) - cho rằng, sự đóng góp, quan tâm trực tiếp đến vấn đề này dường như còn hạn chế và cần sự tham gia tích cực hơn nữa của các Bộ, ngành trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy việc làm thỏa đáng gắn liền với tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh bền vững, theo các chuyên gia, các chương trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn thông qua việc tăng cường chính thức hóa việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động chính thức tại Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tăng cường tính bền vững, tăng trưởng bao trùm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) kỳ vọng mang lại tiềm năng rất lớn trong việc tạo thêm nhiều việc làm trực tiếp và là động lực tạo ra nhiều cơ hội về việc làm thỏa đáng hơn.

Đồng thời, theo các chuyên gia, bối cảnh hội nhập hiện đang không chỉ tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm mà còn có ý nghĩa rất lớn khi thay đổi tính chất việc làm của Việt Nam. Theo đó, việc làm mới sẽ có những thay đổi yêu cầu về kỹ năng nghề, tiêu chuẩn đối với cả người lao động và doanh nghiệp. Đây là thách thức rất lớn trong thời gian tới, đòi hỏi phải có những chiến lược mới trong chương trình việc làm thỏa đáng.

Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng của ILO bắt đầu từ năm 1999, đề cập đến những cơ hội việc làm năng suất cao, mang lại thu nhập xứng đáng, được đảm bảo an toàn, ổn định tại nơi làm việc, và gắn với an sinh xã hội cho người lao động và cả gia đình họ. Ý tưởng về việc làm bền vững và thỏa đáng là kim chỉ nam đối với ILO, là điểm cốt lõi để xóa bỏ đói nghèo, hướng tới việc chia sẻ lợi ích công bằng hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, với mục đích khiến toàn cầu hóa công bằng hơn.

Thời gian qua, Chương trình quốc gia về việc làm bền vững của Việt Nam là công cụ chính cho khung hợp tác giữa ILO với Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động giai đoạn 2017-2021.

Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee - khuyến nghị, những thách thức về việc làm thỏa đáng từ nay trở đi sẽ không còn là các thách thức mà Việt Nam đã đối mặt trong 20 năm qua. Do đó, cần phải thay đổi cách tiếp cận để giải quyết các thách thức không chỉ ở hệ thống pháp luật mà còn là nhận thức, thực thi pháp luật. Cải thiện năng suất lao động phải chuyển sang tiến trình mới đảm bảo việc làm chất lượng cao. Cải thiện về kinh tế phải đi kèm với cải thiện an sinh xã hội, việc làm thỏa đang phải mang lại sự thay đổi cho mọi người dân.

Theo Giám đốc ILO Việt Nam, đảm bảo việc làm bền vững và thỏa đáng cho mọi người, thông qua những tiến bộ về nâng tầm kỹ năng, an sinh xã hội toàn dân và quan hệ lao động hiệu quả sẽ là một phần không thể thiếu của chiến lược phát triển. "Tôi tin tưởng rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường tăng trưởng bền vững và toàn diện hướng tới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao" - ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-viec-lam-ben-vung-de-huong-toi-quoc-gia-thu-nhap-trung-binh-cao-154018.html