Tạo ưu thế binh hỏa lực 'đánh chắc, tiến chắc'

Sau những thắng lợi trên các mặt trận: Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào, chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch ngày càng phát triển tạo ra thế và lực hết sức thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên mở chiến dịch quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mau tới thắng lợi cuối cùng.

Thực hiện kế hoạch quân sự Navarre, Pháp đổ quân lên Tây Bắc, xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hùng mạnh. Tại Điện Biên Phủ, địch có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm, 2 tiểu đoàn súng cối 120mm, 1 đại đội trọng pháo 155mm, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải, 1 phi đội máy bay thường trực, với tổng số ban đầu là 11.800 quân, chủ yếu lính dù và Âu-Phi tinh nhuệ. Bên cạnh đó, địch còn có quân ngụy và bổ sung thêm trong quá trình xây dựng.

Bộ đội Đại đoàn 316 hành quân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh tư liệu)

Ngày 6-12-1953, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi diễn ra chiến dịch, ta huy động hầu hết các đơn vị chủ lực của bộ, gồm các Đại đoàn 308, 312, 316, 304 (thiếu), Đại đoàn Công pháo 351; các đơn vị thông tin, vận tải, quân y… Ta cũng tập trung lớn nhất các đơn vị hỏa lực mạnh của bộ đội chủ lực, gồm Trung đoàn Pháo binh 45 có 2 tiểu đoàn pháo 105mm (24 khẩu), Trung đoàn Sơn pháo 675 có 5 đại đội sơn pháo 75mm; Trung đoàn Pháo phòng không 367 có 2 tiểu đoàn phòng không 37mm và 2 đại đội súng máy phòng không 12,7mm tham gia chiến dịch. Tổng số quân chủ lực khoảng hơn 40.000, nếu tính cả tuyến hai thì số quân lên tới 55.000 người. Ngoài ra còn có 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp, 261.500 dân công cùng nhiều tàu, thuyền, ngựa… phục vụ chiến dịch.

Xét tương quan lực lượng chủ lực, về bộ binh ta gấp hai lần địch, về pháo binh ta và địch xấp xỉ nhau. Nhưng địch hơn ta về máy bay, xe tăng và hệ thống công sự trận địa kiên cố. Còn bộ đội ta từng tham gia các chiến dịch lớn, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, trình độ kỹ chiến thuật khá, được huấn luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm và tinh thần chiến đấu rất cao. Như vậy, bước đầu ta đã tạo được ưu thế về binh hỏa lực, làm cơ sở vững chắc để tiếp tục phát huy mạnh mẽ, hiệu quả trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Trong đợt 1 chiến dịch, trận Him Lam mở màn ngày 13-3-1954, ta tập trung ưu thế về binh lực (ta 3/địch 1), pháo binh (ta 3/địch 1). Tiếp đó, từ ngày 14 đến 17-3, ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Độc Lập với ưu thế binh lực (ta 4,5/địch 1), tạo thế uy hiếp và bức hàng quân địch ở Bản Kéo (ta 3/địch 1), chiếm phân khu Bắc, kết thúc đợt 1 chiến dịch (từ ngày 13 đến 17-3), đập tan hệ thống phòng ngự chủ yếu của địch ở vòng ngoài, mở thông cánh cửa trên hướng bắc và đông bắc để đưa binh hỏa lực tiến vào áp sát, bao vây phân khu trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sang đợt 2 chiến dịch, từ ngày 30-3 đến 30-4, ta tiếp tục phát huy ưu thế binh hỏa lực, về bộ binh (ta 3,6/địch 1), pháo cối (ta 8,4/địch 1), mở cuộc tiến công trên toàn mặt trận, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch ở các cứ điểm phía đông, đưa pháo và súng máy phòng không tiến vào thung lũng Mường Thanh, siết chặt vòng vây, dồn địch vào khu trung tâm. Sau gần một tháng chiến đấu, ta tạm dừng đợt 2 để củng cố, tập trung binh hỏa lực, tạo thế và lực mới để đánh đòn cuối cùng giành thắng lợi quyết định.

Bước vào đợt 3, từ ngày 1 đến 6-5, ta tiến công các cứ điểm phía đông. Pháo các cỡ của ta, trong đó hỏa tiễn H-6 lần đầu xuất trận đã gây bất ngờ lớn, làm tê liệt cụm pháo binh địch ở Hồng Cúm. Được chi viện hỏa lực, quân ta đồng loạt tiến công, đánh chiếm các cứ điểm phía đông (C1, C2, A1), tiếp đó, phát triển tiến công mãnh liệt, tiêu diệt các cứ điểm phía tây (311A, 311B, 310, 208), uy hiếp trực tiếp sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7-5, ta huy động toàn bộ binh hỏa lực mở cuộc tổng công kích vào sân bay Mường Thanh và sở chỉ huy, bắt tướng De Castries và toàn bộ ban tham mưu của địch, quân địch còn lại kéo cờ trắng ra hàng.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó nổi bật là nghệ thuật tạo ưu thế binh hỏa lực “đánh chắc, tiến chắc” để giành thắng lợi. Ta đã vận dụng thành công việc tạo ưu thế binh hỏa lực để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, “bóc vỏ” từ ngoài vào, mở thông đường tiến xuống cánh đồng Mường Thanh, tiếp cận và uy hiếp phân khu trung tâm, cuối cùng tập trung ưu thế binh hỏa lực tổng công kích, đập tan sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng lịch sử”, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tiến tới ký kết Hiệp định Geneve, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tao-uu-the-binh-hoa-luc-danh-chac-tien-chac-538111