Tạo tình huống có vấn đề từ khoảng trống trong bài thơ 'Đàn ghita của Lorca'

Dạy học dựa trên việc tạo tình huống có vấn đề không còn xa lạ trong dạy học hiện nay. Tuy vậy, dựa vào những 'khoảng trống' ngôn từ trong bài thơ 'Đàn ghita của Lorca', giáo viên có thể tạo ra những tình huống dạy học mới mẻ và hiệu quả.

Dạy học dựa trên việc tạo tình huống có vấn đề

Dạy học dựa trên việc tạo tình huống có vấn đề (dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề) là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề. Học sinh được đặt trong một tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức.

Không phải lấy phương thức truyền thụ làm chính mà là tổ chức hướng dẫn để học sinh tìm tòi phát hiện. Đây là một hình thức phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, cách thức để phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh trong giờ dạy văn, giúp học sinh không chỉ chiếm lĩnh được tri thức nội dung cần đạt mà còn hình thành kĩ năng chiếm lĩnh tri thức mới.

Vì vậy việc dạy học nêu vấn đề và hệ thống câu hỏi nêu vấn đề thích ứng với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh, là một quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề cho các em.

Tạo tình huống có vấn đề từ khoảng trống trong bài thơ “Đàn ghita của Lorca”

1. Xây dựng tình huống lựa chọn:

Tình huống lựa chọn là tình huống giáo viên đặt học sinh trước một sự lựa chọn về nội dung ý nghĩa hay một tín hiệu nghệ thuật nào đó trong văn bản. Học sinh lựa chọn trong hai hay nhiều phương án giải quyết mà phương án nào cũng có vẻ hợp lí. Tình huống này đòi hỏi học sinh phải bộc lộ quan điểm, thái độ của bản thân với mỗi vấn đề được nêu ra. Qua đây, phát huy được tính tích cực chủ động của mỗi học sinh và tăng hứng thú của các em trong mỗi giờ học.

Tình huống: Về câu thơ “Không ai chôn cất tiếng đàn/ Tiếng đàn như cỏ mọc hoang”, có ý kiến cho rằng hình ảnh thơ khẳng định sự trường tồn bất diệt, một sức sống mạnh mẽ, không gì có thể tiêu diệt của nghệ thuật Lorca; nhưng cũng có ý kiến liên hệ với lời đề từ và cho rằng: không ai hiểu di chúc Lorca và bước tiếp trên con đường cách tân nghệ thuật nên nghệ thuật thiếu vắng người dẫn đường,định hướng trở thành “cỏ mọc hoang”. Em sẽ lựa chọn cách hiểu nào? Vì sao?

Định hướng giải quyết tình huống của giáo viên: Cả hai cách hiểu đều có cái hay riêng, đều có tính hợp lý. Bởi đây là hình ảnh thơ Tượng trưng nên nó có thể gợi lên nhiều liên tưởng, nhiều tầng nghĩa. HS có thể lựa chọn một trong 2 hoặc cả 2 cách hiểu và có sự kiến giải hợp lý.

2. Xây dựng tình huống nhân quả:

Tình huống nhân quả là tình huống mà giáo viên đặt ra nhằm hướng dẫn học sinh truy tìm nguyên nhân của một kết quả, bản chất của một hiện tượng,.... Câu hỏi đặt ra cho tình huống này chính là “tại sao”, “vì sao”, ... Học sinh cần huy động kĩ năng phân tích, phán đoán, suy luận và tư duy logic cùng những hiểu biết về tác giả và tác phẩm để giải quyết vấn đề.

Tình huống: Tại sao đang tái hiện cái chết bi phẫn của Lorca ở khổ 2, tác giả lại chuyển sang miêu tả tiếng đàn ở khổ 3?

Định hướng giải quyết tình huống của giáo viên: Đọc kĩ văn bản ta thấy rằng cuộc đời Lorca gắn với tiếng đàn. Ngay thời điểm vô định của Lorca “chàng đi như người mộng du”, nhà thơ xâm nhập vào tâm hồn Lorca để diễn tả tiếng đàn, diễn tả nỗi niềm tâm trạng của Lorca cũng như cảm xúc trước cái chết của Lorca: tiếng ghi ta nâu/ bầu trời cô gái ấy/ tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan/ tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy.

Từ đó thấy được tính logic trong khổ 2 và khổ 3, cũng như thấy được những cung bậc tiếng đàn chính là nỗi lòng của Lorca, và sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ Thanh Thảo với Lorca. Qua đó, hiểu sâu một nét phong cách nghệ thuật của thơ Tượng trưng, siêu thực: đặt liền kề những hình ảnh tưởng chừng rời rạc, không liên quan đến nhau.

3. Xây dựng tình huống giả định

Đây là hình thức giáo viên đưa ra một giả thiết nào đó nhằm khám phá giá trị của văn bản. Đó là một tình huống không có thật trong đời sống. Học sinh phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo, nhập vai vào nhân vật và tình huống, từ đó thể hiện quan điểm cá nhân để giải quyết tình huống.

Tình huống: Về câu thơ “Đường chỉ tay đã đứt”, tác giả nói về cái chết của Lorca dưới góc nhìn tướng số học như một định mệnh. Có người cho rằng cách suy nghĩ về cái chết của Lorca như trên mang nặng tư tưởng bi quan, định mệnh chủ nghĩa không phù hợp với người nghệ sĩ đấu tranh không ngừng nghỉ cho các quyền sống của con người. Nhưng cũng có ý kiến tranh luận: với tất cả lòng kính trọng Lorca, dành cho người nghệ sĩ luôn muốn hậu thế chôn nghệ thuật của mình để bước tiếp, hãy coi đó là định mệnh của Lorca vì ông phải ra đi để không cản trở sự cách tân văn chương của những người đến sau. Em thử đoán xem, ở thế giới bên kia, Lorca sẽ nghiêng về ý kiến nào? Vì sao?

Định hướng giải quyết tình huống của giáo viên: Có lẽ Lorca sẽ hài lòng với ý kiến thứ 2, bởi ông là nghệ sĩ cách tân, là người luôn ủng hộ cái mới. Lorca đau đớn khi những khát vọng cách tân của ông không được người đời sau tiếp tục. Nhưng ông còn đau đớn hơn nếu văn chương của ông, tên tuổi của ông là lực cản kìm hãm những nỗ lực sáng tạo của các thế hệ kế tiếp. Vì vậy, ông sẽ xem cái chết của mình như là định mệnh.

4. Xây dựng tình huống phản bác

Tình huống phản bác là tình huống giáo viên cố tình đưa ra ý kiến sai lệch, thiếu chính xác để học sinh dùng lập luận bác bỏ ý kiến này và đưa ra ý kiến đúng đắn trên cơ sở đó nắm vững nội dung bài học. Để giải quyết tình huống này, học sinh phải biết dùng lí lẽ và dẫn chứng để bác bỏ ý kiến sai lệch và thuyết phục người nghe đồng tình với quan điểm của mình. Từ đó, các em không chỉ tránh được cách hiểu thiếu chính xác mà còn được rèn luyện tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, kĩ năng làm việc nhóm thông qua hình thức thảo luận, …

Kết thúc hoạt động này, giáo viên đánh giá, nhận xét và nêu định hướng chung cho việc trả lời câu hỏi.

Tình huống 1: Có học sinh sau khi tìm hiểu liên văn bản của bài thơ “Đàn ghita của Lorca” đã rút ra kết luận: Cả bài thơ chẳng qua là sự vay mượn của Thanh Thảo với nhiều bài thơ của Lorca từ hình ảnh đến cấu trúc nên nó không có giá trị đặc sắc về nghệ thuật. Ý kiến của em như thế nào? Vì sao?

Định hướng giải quyết tình huống của giáo viên: Đây là cách hiểu chưa đúng về liên văn bản trong thơ ca nói chung và ý nghĩa của nó trong bài thơ, từ đó phủ nhận sáng tạo nghệ thuật của Thanh Thảo. Ta nên hiểu nhờ liên văn bản, người đọc có thể cảm nhận được nhiều điều, nhiều ý nghĩa trên một văn bản gốc. Đọc thơ Thanh Thảo viết về Lorca, người đọc không chỉ biết đến hình tượng nghệ sĩ cách tân Lorca, mà còn biết được nhiều điều về thơ Lorca và sau đó là chính phong cách thơ Thanh Thảo, phong cách thơ Siêu thực. Những hình ảnh, biểu tượng vốn có trong thơ Lor-ca được làm mới để chuyên chở những cảm nhận về chính thơ Lor-ca trong bối cảnh văn hóa chính trị Tây Ban Nha.

Tình huống 2: Có ý kiến cho rằng bài thơ “Đàn ghita của Lorca” là sự chắp nối vụng về, rời rạc giữa các khổ thơ mà không có sự liên kết nào cả. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Theo em, có “dòng chảy” nào xuyên suốt các khổ thơ?

Định hướng giải quyết tình huống của giáo viên: Đây là cách hiểu chưa thật sự chính xác về cấu trúc bài thơ, cũng như dụng ý nghệ thuật của tác giả. Bài thơ viết theo cấu trúc rubic, bề ngoài có vẻ không liên kết nhưng lại có mạch ngầm văn bản xuyên suốt về 2 hình tượng song trùng: Lorca và đàn ghita.

Một giờ dạy học văn theo tinh thần đổi mới hướng đến tính tích cực chủ động của học sinh, phát huy tư duy phản biện, sáng tạo, kích thích những kiến giải mới mẻ ở học sinh. Xét từ góc độ đó, dạy học dựa trên tình huống có vấn đề tuy không mới nhưng vẫn phát huy hiệu quả của nó.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tao-tinh-huong-co-van-de-tu-khoang-trong-trong-bai-tho-dan-ghita-cua-lorca-3981859-c.html