Tạo thuận lợi thương mại: Thực hiện đúng lộ trình

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới, đang đi đúng hướng để đảm bảo tuân thủ đầy đủ Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) với mức độ hoàn thành 74% các cam kết.

TFA đã được 112/164 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bỏ phiếu thông qua vào tháng 2/2017. Việc thực thi TFA đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) ở Việt Nam hưởng lợi, nhất là khâu cải tiến thủ tục hải quan.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), tạo thuận lợi thương mại ngày càng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia về mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại nói chung và hoạt động XNK nói riêng. Dựa trên tiêu chí TFA, thời gian qua, các DN đã thực hiện trực tiếp công việc liên quan đến XNK hàng hóa thông qua cơ quan hải quan, hoạt động quản lý chuyên ngành; cơ quan giám sát, điều hành và tổ chức đại diện DN. Trong quá trình thực thi, các DN cũng đưa ra những sáng kiến theo TFA như đề xuất cách thức giải quyết bất cập và tạo sức ép bằng TFA thông qua tiêu chuẩn, thời hạn hoàn thành cải cách thủ tục hải quan.

Thực thi TFA giúp cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi, nhất là khâu cải tiến thủ tục hải quan

Thực thi TFA giúp cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi, nhất là khâu cải tiến thủ tục hải quan

Tính đến nay, cơ quan hải quan đã hỗ trợ xây dựng mới và hoàn thành kiểm tra kết nối, triển khai chính thức 16 thủ tục hành chính mới của Bộ Công Thương (6 thủ tục), Bộ Quốc phòng (6 thủ tục), Bộ Y tế (4 thủ tục); nâng cấp/cập nhật 2 thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Đồng thời, đang kiểm thử kết nối 1 thủ tục của Ngân hàng Nhà nước, 6 thủ tục của Bộ NN&PTNT. Đã có 207 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) với hơn 3,5 triệu hồ sơ của hơn 43.000 DN.

Năm 2021, đẩy mạnh triển khai NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại là mục tiêu quan trọng được ngành hải quan tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Ông Alistair Gall - Chuyên gia Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - cho biết, trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Theo khảo sát ban đầu của USAID, đến nay, Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ 25 điều khoản của Hiệp định TFA và còn thêm nhiều điều khoản trong thời gian tới. Như vậy, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành được 74% cam kết theo TFA…

Hiệp định TFA được xem là sự khích lệ đối với quá trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều khó khăn do vấp phải chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Nhận biết được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai các điều khoản của Hiệp định theo đúng lộ trình cam kết với WTO. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện TFA đầy đủ nhất. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây với việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dựa trên rủi ro. Tuy nhiên, với kế hoạch mở rộng phạm vi áp dụng quản lý rủi ro tích hợp sang thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan khác sẽ góp phần giúp Việt Nam tuân thủ đầy đủ hơn nữa cam kết của TFA.

Từ phía các cơ quan đầu mối, bộ, ngành và cơ quan có liên quan, sẽ tiếp tục trao đổi, đánh giá kết quả thực thi TFA trong thời gian qua, xác định những thách thức và cơ hội thực thi TFA để xem xét lộ trình mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động thương mại và đảm bảo tuân thủ hoàn toàn các cam kết của TFA.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-thuan-loi-thuong-mai-thuc-hien-dung-lo-trinh-156123.html