Tạo thuận lợi cho tàu 67 vươn khơi

Gần 5 năm qua, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã mang lại những luồng sinh khí mới giúp ngư dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có thêm tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nhiều chủ tàu 67 đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần sớm được các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ.

Nhờ được trang bị tàu hiện đại, ngư dân Nghệ An đánh bắt được nhiều hải sản có giá trị cao.

Nhờ được trang bị tàu hiện đại, ngư dân Nghệ An đánh bắt được nhiều hải sản có giá trị cao.

Cơ hội vươn khơi

Theo số liệu từ các ngành chức năng cho thấy, chỉ sau bốn năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngư dân Nghệ An và Hà Tĩnh đã vay hơn 1.000 tỷ đồng từ các ngân hàng trên địa bàn cùng với vốn tự có đóng mới được 115 tàu đánh cá và tàu dịch vụ có công suất máy từ 800 lên đến 1.000 CV, trong đó có 25 tàu vỏ thép và com-pô-dít (composite). Trong đó, Nghệ An đóng mới 104 tàu 67 các loại, đứng thứ ba toàn quốc. Phần lớn đội tàu 67 ở các địa phương đều phát huy được hiệu quả góp phần nâng cao sản lượng và giá trị hải sản đánh bắt. Bình quân mỗi tàu 67 giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động với thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Nhờ tàu 67, ngư dân hai tỉnh nêu trên đã vươn mạnh ra khai thác các vùng ngư trường giàu tiềm năng, nhất là vùng biển Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Văn Minh ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), chủ hai con tàu 67 cho biết: “Nhờ Nghị định 67 mà ngư dân chúng tôi được vay vốn và hỗ trợ lãi suất để đóng tàu to, máy lớn, thiết bị hàng hải hiện đại, ngư lưới cụ phù hợp đánh bắt hải sản ở vùng biển xa, giàu tiềm năng”. Cặp tàu lưới vây của gia đình ông Minh có công suất 822 CV được đầu tư đóng mới, trị giá hơn 20 tỷ đồng (trong đó, ngân hàng cho vay gần 70%) đã đi 70 chuyến biển xa ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, Bạch Long Vĩ và Hoàng Sa… Nhờ vươn khơi xa mà tàu của ông Minh cũng như các tàu của ngư dân khác ở huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đã đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Bình quân mỗi chuyến đi biển từ 8 đến 12 ngày thu bình quân khoảng 250 đến 400 triệu đồng. Có không ít thuyền trưởng với kinh nghiệm “cha truyền con nối” cùng với phương tiện dò cá hiện đại đã trúng nhiều luồng cá, thu xấp xỉ một tỷ đồng/chuyến. Trừ chi phí, mỗi chuyến biển lãi hàng trăm triệu đồng, điều mà ngư dân bấy lâu mơ ước.

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Võ Văn Tùng cho biết: Hoạt động của các tàu 67 đã mang lại những luồng sinh khí mới, theo đó, nhiều dịch vụ ven bờ phát triển. Vào dịp giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, sau một tuần ra khơi, bình quân mỗi tàu vỏ thép 67 thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Hiệu quả bền vững

Hiệu quả hoạt động của các tàu 67 đã rõ, nhưng việc thu hồi nợ của các ngân hàng lại khá khó khăn. Tính đến đầu năm 2019, đã có 92 trong tổng số 115 tàu được các ngân hàng cho vay vốn đến thời hạn trả nợ, nhưng vẫn còn nhiều chủ tàu không trả được nợ với tổng nợ xấu là 132 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số chủ tàu tuy đánh bắt khá hiệu quả nhưng vẫn cố tình chây ỳ trả nợ. Theo chia sẻ của bà con ngư dân, đánh bắt hải sản trên biển có độ rủi ro cao, chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, quy chế quản trị rủi ro hiện nay của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là không phù hợp với loại hình cho vay tín dụng đối với đóng tàu 67. Cụ thể là ngư dân cần được gia hạn nợ nhiều lần khi gặp rủi ro bất khả kháng. Với những khó khăn, rủi ro bất khả kháng như đánh bắt không hiệu quả có thể kéo dài trong nhiều tháng mà không được gia hạn trả nợ gốc và trả lãi mà còn bị đưa vào diện bị cắt bù hỗ trợ lãi suất (mà ngư dân đang được Chính phủ hỗ trợ từ 4 đến 6%/năm); buộc phải trả lãi suất từ 3% lên 7%/năm (đối với tàu gỗ) và từ 1% lên 7%/năm (đối với tàu sắt), vô hình trung đưa họ vào tình thế đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ cùng một số ngư dân ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai phản ánh: Theo quy định của Nghị định 67, vay vốn đóng tàu 67 không phải thế chấp, mà dùng chính con tàu đó làm tài sản thế chấp nhưng nhiều ngân hàng trong đó có Ngân hàng BIDV Phủ Diễn yêu cầu ngư dân “tự nguyện” thế chấp nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất mới cho vay vốn. Khi đánh bắt bằng lưới rê vây không hiệu quả, ngư dân muốn đầu tư hàng tỷ đồng mua ngư lưới cụ khác nhằm thay đổi phương thức đánh bắt mới cho phù hợp nhưng không thể tiếp tục vay vốn ngân hàng vì không còn gì để thế chấp nữa.

Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Lòng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), sau khi lựa chọn sai phương thức khai thác, khiến tàu phải nằm bờ dài ngày, gây thua lỗ, ông Lòng đã lên phương án chuyển từ nghề câu sang nghề lưới rê. Tuy vậy muốn chuyển sang nghề mới thì ông phải chuyển đổi kết cấu tàu và ngư lưới cụ, chi phí khoảng năm tỷ đồng. Ông Lòng đã nhiều lần gửi đơn tới các cấp, ngành đề nghị hỗ trợ vay vốn chuyển đổi sang nghề lưới rê cho phù hợp, song không được chấp thuận. Thậm chí, tháng 1-2019, khi UBND tỉnh Hà Tĩnh giải ngân nguồn vốn hỗ trợ 600 triệu đồng cho gia đình ông, đã bị ngân hàng siết nợ, khó khăn càng chồng chất. Ngoài ra, những bất cập trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu cũng là nguyên nhân khiến hoạt động đánh bắt của các tàu 67 hoạt động kém hiệu quả.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Văn Sinh (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) thì cho biết: Tất cả các cảng cá ở Hà Tĩnh chỉ thiết kế cho tàu lớn nhất là 300 CV cập cảng, trong khi đó, tàu 67 có công suất hơn 800 CV, mỗi chuyến đánh bắt về đều phải neo đậu cách đất liền từ 2 đến 3 km, sau đó đưa thuyền nhỏ ra “tăng bo” hải sản vào. Khi vào được cảng, gặp nước kiệt, muốn ra khơi phải đợi con nước lên, có khi cả tuần thủy triều mới đạt đỉnh, vào vụ cá, nhiều khi không kịp ra khơi.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 67 trách nhiệm của Bộ Tài chính phải ban hành văn bản “Hướng dẫn cơ chế cấp bù lãi suất thực hiện chính sách tín dụng, và Hướng dẫn bổ sung các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng phát sinh từ thực tế được hưởng cơ chế xử lý rủi ro”. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức đối với nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên, gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc xác định nguyên nhân và hỗ trợ kịp thời các chủ tàu gặp sự cố trong quá trình khai thác. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có ba tàu bị chìm, bị cháy hoàn toàn, ngư dân chỉ còn trông vào việc thanh toán của bảo hiểm nhưng việc hoàn tất các thủ tục thanh toán này không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai được. Bên cạnh phần lớn tàu 67 làm ăn hiệu quả, trả nợ ngân hàng đúng hạn thì một số chủ tàu làm ăn chưa thật sự hiệu quả, phải nằm bờ dài ngày, nay muốn chuyển đổi (bán) cho chủ tàu khác trên địa bàn nhưng gặp nhiều khó khăn và không có tính khả thi. Bởi tâm lý e ngại khi họ phải nhận toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng trước thời điểm bàn giao. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại tàu 67 chưa được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể. Chưa nói đến việc chuyển đổi con tàu làm ăn không hiệu quả bao giờ giá bán cũng thấp hơn giá thực tế vì đây là hàng hóa đặc thù.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Trần Văn Đức: Cấp ủy, chính quyền cùng cán bộ ngân hàng cần bám sát từng con tàu để đôn đốc trả nợ đúng kế hoạch, tránh đánh đồng giữa tàu đánh bắt hiệu quả nhưng có thái độ chây ỳ trả nợ và tàu đánh bắt không hiệu quả; cần có chế tài xử phạt thật nghiêm đối với ngư dân cố tình chây ỳ trả nợ ngân hàng để làm gương. Những tàu trước đây khai thác hiệu quả, trả nợ ngân hàng đúng hạn nhưng thời gian qua do khai thác kém hiệu quả chưa trả nợ được thì các ngân hàng có kế hoạch giãn trả nợ và cho các tàu cá ký cam kết để họ yên tâm khai thác.

Đình Phượng, Thành Châu và Ngô Tuấn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39224602-tao-thuan-loi-cho-tau-67-vuon-khoi.html