TẠO THUẬN LỢI CHO GIỚI TRẺ TIẾP CẬN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG

Có lần, chúng tôi chứng kiến một nữ sinh say sưa xem video chèo trên điện thoại di động tại một quán cà phê, mấy bạn trẻ ngồi gần nhìn nhau, không hiểu sao bạn gái trẻ trung lại đi nghe thể loại 'nhạc nhẽo âm lịch' đến thế!

Chuyện trên cũng không có gì lạ bởi các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc đang dần xa lạ với các bạn trẻ như một xu hướng khó đảo ngược. Cũng dễ hiểu khi mà các bạn trẻ có quá nhiều cách giải trí nghe nhìn mới mẻ để khám phá; sâu xa hơn là sự khác biệt thời đại văn hóa, bởi các thể loại nghệ thuật truyền thống ra đời từ xa xưa nay đã trở thành cổ điển, ngôn từ và giai điệu không còn được ưa chuộng trong đời sống văn hóa hiện đại.

Hát quan họ tại hội Lim, Bắc Ninh. Ảnh minh họa

Hát quan họ tại hội Lim, Bắc Ninh. Ảnh minh họa

Để giới trẻ biết yêu, biết quý vốn di sản nghệ thuật quý báu của dân tộc, chỉ có cách đưa nghệ thuật truyền thống đến với từng trường học, nhà văn hóa thay vì chờ các khán giả trẻ tìm đến. Dự án “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện nhiều năm trước được xem là mô hình hay, thiết thực. Song khi dự án kết thúc, kinh phí không còn, vấn đề đưa sân khấu truyền thống vào học đường vấp phải nhiều khó khăn. Tiếp tục duy trì một cách làm nhân văn, hiệu quả tùy thuộc vào cái bắt tay của cá nhân nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật và nhất là chính quyền địa phương đề cao tâm huyết, trách nhiệm bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Thực tiễn chứng minh, những nơi làm tốt khi chính quyền quan tâm cấp kinh phí để các đơn vị nghệ thuật truyền thống đưa các trích đoạn tiêu biểu, hướng dẫn “làm trò” để các em vừa học vừa chơi; hoặc khuyến khích, hỗ trợ cho các nghệ nhân tự mở lớp ở cơ sở truyền dạy con em hàng xóm láng giềng. Sự hỗ trợ của chính quyền là cần thiết, bởi khác với các loại hình hiện đại, tác phẩm nghệ thuật truyền thống rất khó trở thành sản phẩm hàng hóa mang tính phổ biến, “đắt hàng”, mà đang dần trở thành tác phẩm nghệ thuật đặc tuyển.

Nghệ thuật truyền thống chỉ có thể tồn tại và phát triển khi lưu giữ được không gian nghệ thuật, tìm kiếm và phát triển lứa nghệ sĩ tài năng kế cận. Nghệ sĩ có tâm đến mấy nhưng sức lực có hạn, “một mình một ngựa”, có làm việc truyền dạy thì cũng manh mún, hiệu quả thấp. Vai trò của ngành văn hóa ở địa phương phải được xác định là trung tâm, chủ trì kết nối các đầu việc, vận động kinh phí xã hội hóa để chăm lo các tài năng trẻ, tìm cách phổ biến rộng khắp mới mong nghệ thuật truyền thống không bị mai một. Có địa phương kinh tế khó khăn, chính quyền đã vận động doanh nghiệp lập tủ sách phủ hết tất cả trường học trên địa bàn. Nâng cao văn hóa đọc đã làm được thì truyền dạy nghệ thuật truyền thống bổ ích, đậm đà bản sắc dân tộc cũng cần thiết không kém, có nhận thức đúng đắn và tâm huyết chắc chắn sẽ khởi sắc trong tương lai.

Đầu tư bảo tồn nghệ thuật truyền thống luôn cần một chiến lược bài bản, kiên trì, lâu dài theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, "đi sâu làm sát”, không thể mong chờ kết quả hiển lộ tức thì. Nếu làm tốt việc giáo dục, truyền dạy, giới thiệu nghệ thuật truyền thống sẽ không khác nào “một mũi tên trúng nhiều đích”. Trong xu thế tự chủ tài chính, các đơn vị nghệ thuật truyền thống chắc chắn lâm vào cảnh khó khăn vì ngoài nguồn thu từ biểu diễn cho khách du lịch hoặc “chạy sô” ở vùng nông thôn còn mê nghệ thuật truyền thống, ở đô thị, nghệ thuật truyền thống càng khó chen chân. Chính vì thế, để lớp trẻ tiếp cận với nghệ thuật truyền thống đòi hỏi phải có cách làm phù hợp, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ngành văn hóa và những nhà hảo tâm tâm huyết với tinh hoa di sản nghệ thuật của ông cha ta.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/tao-thuan-loi-cho-gioi-tre-tiep-can-nghe-thuat-truyen-thong-591035