Tạo thêm không gian văn hóa cho thiếu nhi

Nói đến Cung Thiếu nhi, nhiều thế hệ người Hà Nội lại bồi hồi cảm xúc. Từ những năm tháng lửa đạn chiến tranh, qua thời bao cấp, cho đến những năm đổi mới, đây là nơi sinh hoạt, học tập của nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô.

Trong không gian Cung Thiếu nhi, có một tòa nhà được xây từ thời Pháp thuộc, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định Sơ bộ với đại diện Chính phủ Pháp vào ngày 6-3-1946. Những năm gần đây, số dân Hà Nội đã tăng lên mười triệu người. Tuy nhiên, các công trình phúc lợi xã hội, nhất là công trình dành cho trẻ em chưa được xây dựng nhiều.

Người dân thành phố, nhất là trẻ em thiếu nghiêm trọng không gian vui chơi, giải trí. Vậy nên, khi thành phố Hà Nội chủ trương chuyển tòa nhà kiến trúc Pháp trong Cung Thiếu nhi cho UBND thành phố sử dụng, nhiều người dân và chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa đã phản ứng. Một số ý kiến cho rằng, thành phố cần tạo thêm thay vì “cắt xén” không gian dành cho trẻ em.

Cung Thiếu nhi là “miền ký ức” đẹp với người Hà Nội. Trong những năm tháng chiến tranh, dù đất nước rất khó khăn, nhưng một không gian khang trang vẫn được dành cho trẻ em học tập, sinh hoạt, luyện tập văn nghệ, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với thế hệ tương lai của đất nước. Nhiều thành viên sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi đã đi biểu diễn phục vụ bộ đội bên mâm pháo. Đây cũng là nơi ươm mầm tài năng nghệ thuật cho nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng. Năm 1974, Cung Thiếu nhi được Chính phủ Tiệp Khắc giúp đỡ xây dựng một tòa nhà sáu tầng, gồm hơn 100 phòng học. Cung hiện có diện tích 8.100 m2 với ba tòa nhà, mỗi năm có khoảng 20 nghìn lượt học sinh học tập.

Trải qua thời gian, Cung Thiếu nhi trở nên nhỏ bé so với quy mô, số dân hiện tại của thành phố và chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu học tập, sinh hoạt của thiếu nhi. Diện tích hẹp dẫn đến thiếu không gian dành cho hoạt động rèn luyện thể chất. Vào giờ cao điểm, phụ huynh đưa đón con thường gây ùn tắc giao thông. Chính vì vậy, năm 2014, Thành ủy Hà Nội đã có chủ trương triển khai xây dựng Cung Thiếu nhi mới tại quận Cầu Giấy, dự kiến là công trình hiện đại, với nhiều hạng mục phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Dự án được đưa vào danh mục các công trình trọng điểm hoàn thành trước năm 2020.

Cùng với chủ trương xây dựng Cung Thiếu nhi mới, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực tạo không gian vui chơi, giải trí cho cộng đồng và trẻ em. Trường Thể thao thiếu niên 10-10 nằm trên phố Quán Thánh, sau được chuyển về phường Giảng Võ với hạ tầng được nâng cấp, mở rộng trên diện tích 6.000 m2. Thành phố còn có Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, thường xuyên tổ chức các hoạt động dành cho thiếu nhi. Tất cả các quận, huyện đều có trung tâm văn hóa - thể thao, chưa kể hàng loạt thiết chế văn hóa cấp phường, xã... là nơi sinh hoạt, học tập của cộng đồng và trẻ em.

Mặc dù vậy, những nỗ lực nêu trên mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập của các em nhỏ. Bên cạnh đó, dự án Cung Thiếu nhi mới vẫn chưa hoàn thành. Trong bối cảnh Hà Nội vẫn thiếu không gian văn hóa cho trẻ em, việc chuyển đổi mục đích sử dụng một phần Cung Thiếu nhi hiện tại cần tiến hành thận trọng. Ở một số địa phương, sau khi chuyển đổi đất dành cho công trình văn hóa, thể thao sang mục đích khác, chính quyền đã rất khó khăn trong khắc phục hậu quả. Ứng xử với không gian văn hóa ngay ở những nơi “tấc đất, tấc vàng” thể hiện tầm văn hóa của lãnh đạo chính quyền đô thị.

Trước băn khoăn của dư luận, ngày 20-8, Thành đoàn Hà Nội - đơn vị chủ quản Cung Thiếu nhi - đã có công văn trả lời báo chí, trong đó khẳng định, thành phố Hà Nội sẽ gắn biển di tích cách mạng với tòa nhà kiến trúc Pháp và nâng cao hiệu quả hoạt động của Cung Thiếu nhi hiện nay đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cung Thiếu nhi mới. Mong rằng các đơn vị sẽ nghiêm túc triển khai để cùng với Cung Thiếu nhi cũ được bảo tồn, khai thác hiệu quả hơn, trẻ em thành phố sẽ sớm có thêm không gian văn hóa, thể thao mới khang trang, hiện đại.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37394202-tao-them-khong-gian-van-hoa-cho-thieu-nhi.html