Tạo thế và lực cho đầu tàu kinh tế

Phát biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 về cơ chế chính sách cho TPHCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: 'Chúng ta đều biết TPHCM thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về Trung ương cũng lớn nhất, nhưng tỷ lệ được để lại cho địa phương bây giờ rất ít nên không thể phát triển nhanh. Đầu tàu mà đi chậm thì sao cả nước đi nhanh được'.

KĐT Phú Mỹ Hưng - hình mẫu đô thị hiện đại của TPHCM.

Ngày 14-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển TPHCM, và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này.

Ngay sau đó Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết với đa số ý kiến tán thành. Ngày 20-11 tới dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại hội trường, và dự kiến ngày 24-11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua.

Việc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 dành nhiều thời gian để thảo luận, thông qua dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển TPHCM, cho thấy để thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc biệt của Nghị định 48/2017/NĐ-CP đối với TPHCM là chưa đủ và vẫn bị xem là “cái áo đã quá chật”, cần sự đột phá với khuôn khổ pháp lý cao hơn nghị định, đó là Nghị quyết của Quốc hội gần như một đạo luật.

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tinh thần Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển TPHCM không chỉ có lợi cho TPHCM mà vì sự phát triển chung của cả nước".

Thực tế, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, TPHCM đã nỗ lực và đạt được những kết quả quan trọng: giai đoạn 2011-2015 GDP của TP tăng 9,6%/năm, gấp 1,65 lần mức tăng của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122USD, gấp 2,37 lần bình quân cả nước. Và đến năm 2016 TPHCM đóng góp 21,6% GDP, 27,8% thu ngân sách của cả nước.

Tuy nhiên, sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí có xu thế tụt hậu. Các thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế, sự không bền vững về lao động và dân số gia tăng… đang trở thành những điểm nghẽn kéo giảm tăng trưởng của TP. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi và đã xử lý một số vấn đề cụ thể theo đề xuất của TP. Nhưng các cơ chế này chưa có tính đột phá, thiếu toàn diện, mới chỉ trong khuôn khổ các luật và ngân sách chung của cả nước.

Thí dụ, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP không những không tăng (như Nghị quyết 16 yêu cầu) mà còn giảm khá nhanh, từ 23% xuống còn 18%. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho 7 chương trình đột phá của TPHCM giai đoạn 2016-2020 cần số vốn rất lớn, ước tính khoảng 850.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Tuy nhiên, ngân sách TP hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư.

Với quy mô dân số ước hơn 8,2 triệu người, TPHCM đã thực sự trở thành siêu đô thị (mega city), đòi hỏi phải có cơ chế đặc biệt để quản lý, phát triển. Bên cạnh đó, trong hơn 40 năm qua TPHCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần cả nước, nếu có cơ chế, chính sách đặc biệt sẽ phát triển hơn, đóng góp cả nước nhiều hơn.

Chính vì thế, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về tình hình kinh tế-xã hội địa phương hồi cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về nguyên tắc việc TPHCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo gắn với đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế, xã hội trên địa bàn.

“TPHCM có vị trí vô cùng quan trọng với cả nước, đóng góp lớn về GDP, thu ngân sách, năng suất lao động và nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới thường được triển khai ở TPHCM rồi lan rộng ra cả nước. TP tăng thêm 1% GDP thì GDP cả nước tăng 0,21%. Để TPHCM có thêm động lực phát triển bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và thu ngân sách nhà nước, phải phân cấp phân quyền mạnh hơn cho TP trên tất cả lĩnh vực” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với những đề xuất mang tính vượt trội, dự thảo Nghị quyết trên là các cơ chế, chính sách tương đối toàn diện, thí điểm cho TPHCM, đi trước cả nước trên hầu hết lĩnh vực, từ công tác quản lý, quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng, đặc biệt là quản lý tài chính ngân sách, phí và lệ phí, cơ chế ủy quyền quyết định thu nhập của cán bộ công chức, viên chức của TP...

Với cơ chế phân cấp, ủy quyền như trong dự thảo Nghị quyết, nếu được Quốc hội thông qua sẽ giúp TPHCM chủ động hơn trong việc tổ chức điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị thuộc TP quản lý.

TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về nhiều mặt, là đầu tàu, có sức thu hút và sự lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Và với tinh thần "TP vì cả nước, cả nước vì TP", điều người dân TP trông đợi là có được những quyết sách cụ thể thật sự phù hợp và hỗ trợ nhiều hơn, giúp TPHCM phát triển, không chỉ cho riêng mình, mà còn góp sức cho cả nước cùng đi lên. Nghị quyết lần này của Quốc hội đã được đa số đại biểu ủng hộ, nếu được thông qua sẽ tiếp thêm thế và lực cho TP đột phá mạnh mẽ, để đầu tàu TPHCM kéo nền kinh tế cả nước đi nhanh hơn.

Thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt TPHCM

1. Được quyết định: Chủ trương đầu tư với các dự án nhóm A (sử dụng ngân sách TP). Mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ công chức, chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt… Chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10ha trở lên.

2. Được vay: Thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Từ tổ chức tài chính trong nước, từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài (không vượt quá 90% số thu ngân sách TP).

3. Được hưởng: 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với tài sản trên đất. Từ số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước (TP quản lý), từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế (TP làm đại diện chủ sở hữu).

4. Được sử dụng: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp TP để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Ngọc Thanh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/tao-the-va-luc-cho-dau-tau-kinh-te-52022.html