Tạo tâm thế để giáo viên cởi bỏ tư duy cũ, sẵn sàng tiếp cận cái mới

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội vừa có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020.

Tại buổi làm việc, các ý kiến góp ý cơ bản thống nhất với Dự thảo báo cáo giám sát, trong đó đánh giá cao công tác chỉ đạo của Chính phủ và triển khai của Bộ GD&ĐT.

Liên quan đến việc triển khai chương trình, SGK mới, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, vấn đề mấu chốt là phải làm cho mỗi giáo viên, cán bộ quản lý hiểu và nhận thức đúng, từ đó trở thành một tuyên truyền viên về đổi mới chương trình, SGK. Giai đoạn này vẫn là giai đoạn chuyển tiếp, việc hiểu chưa nhất quán nên tuyên truyền càng cần thực hiện đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhìn nhận, hiện nay Bộ GD&ĐT đã chọn 5 bộ SGK mới để thay thế bộ SGK lớp 1 cũ. Tuy nhiên, qua khảo sát trực tiếp, nhiều giáo viên vẫn thích được dạy một bộ SGK như trước. Điều này cho thấy, một bộ phận giáo viên vẫn “còn ngại đổi mới”.

Tạo động lực cho đội ngũ giáo viên bằng cơ chế chính sách tuyển dụng và sử dụng hợp lý.

Tạo động lực cho đội ngũ giáo viên bằng cơ chế chính sách tuyển dụng và sử dụng hợp lý.

Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giáo viên, từng bước cởi bỏ tư duy cũ, tạo tâm thế sẵn sàng tiếp cận cái mới.

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tạo động lực cho giáo viên bằng các cơ chế chính sách về tuyển dụng, sử dụng hợp lý, trong đó có thể tính đến việc xây dựng một đề án riêng về phát triển đội ngũ giáo viên nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng cho quá trình đổi mới; tiếp tục bố trí, sử dụng hợp lý các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; không thực hiện sáp nhập trường lớp theo cách cơ học, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, toàn ngành đã rất nỗ lực để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội. Theo Bộ trưởng, đổi mới giáo dục là một quá trình lâu dài, đặc biệt với một chủ trương lớn như Nghị quyết 88 thì qua 6 năm chưa thể có nhiều kết quả ngay.

Tuy nhiên, với những kết quả đạt được có thể thấy, ngành Giáo dục đã đi đúng hướng, đúng tinh thần của Nghị quyết. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu toàn bộ những nhận xét, đánh giá trong báo cáo và những góp ý của các đại biểu để có kế hoạch, chương trình hành động tiếp theo phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/tao-tam-the-de-giao-vien-coi-bo-tu-duy-cu-san-sang-tiep-can-cai-moi-613198/