Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của hàng Việt

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên quy mô toàn cầu, song hàng Việt Nam đã thể hiện sức sống mãnh liệt tại thị trường trong nước và giữ ổn định nền kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020 (gọi tắt là Đề án) sau 6 năm triển khai đã góp phần thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng (NTD). Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối hàng Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) trong nước.

Hàng Việt Nam đang tạo chỗ đứng vững chắc

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Phóng viên (PV): Hàng Việt Nam hiện có vị thế như thế nào tại thị trường trong nước, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy, có 67% NTD tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết đã khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam. Thống kê cho thấy, hàng Việt Nam đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của DN trong nước (hơn 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Như vậy có thể thấy, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam ngày càng được nâng cao. Người Việt Nam ngày càng tin dùng hàng hóa trong nước.

PV: Vậy, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua 6 năm triển khai đã góp phần như thế nào vào kết quả nêu trên, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Nhận thức và hành vi của NTD đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, sau 6 năm triển khai Đề án, thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục và các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối, một lượng lớn hàng hóa của DN Việt Nam đã được quảng bá, tiếp cận với NTD. Đây chính là nền tảng để các DN, hiệp hội ngành hàng, địa phương nâng cao ý thức trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, uy tín dịch vụ của mình để hướng tới mục tiêu cao hơn là hàng hóa Việt Nam chinh phục người Việt Nam, chứ không dừng lại là “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cụ thể, hiện nay hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Theo thống kê, đến năm 2020, 100% tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam" trên địa bàn. Hiện trên toàn quốc có khoảng 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam. Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh. Thời gian qua, hệ thống của Saigon Co.opmart mở được hơn 114 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 800 điểm; Vincommerce đã mở được hơn 100 siêu thị Vinmart và 2.000 cửa hàng Vinmart+...

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại online để gỡ khó cho hàng Việt

Người dân lựa chọn mua thịt lợn của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam trong siêu thị. Ảnh: MINH ĐỨC

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của thị trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu của DN gặp khó khăn?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Có thể khẳng định, thời gian qua, thị trường nội địa và lòng tin của NTD đối với các sản phẩm hàng Việt đã góp phần giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, nhiều thị trường xuất khẩu bị đứt gãy, nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ. Với thị trường nội địa Việt Nam, quy mô gần 100 triệu người là không gian đủ rộng cho DN khai thác, vượt qua khó khăn, thách thức. Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng đầu năm giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng vẫn chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất, kinh doanh của DN. Như vậy, thị trường trong nước chính là “cứu cánh” cho các ngành hàng sản xuất và DN.

PV: Để tiếp tục phát huy sức mạnh của hàng Việt trên thị trường nội địa, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Để phát huy sức mạnh của hàng Việt trên thị trường nội địa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu; theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, tạo điều kiện cho các DN tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt Nam kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường... Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trực tuyến để mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

KHÁNH AN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-suc-lan-toa-manh-me-cua-hang-viet-635649