Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thể dục thể thao

Sau 10 năm triển khai 'Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020' theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phong trào thể dục thể thao (TDTT) tại nhiều địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc, rộng khắp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi đối tượng.

Phong trào TDTT tại nhiều địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc, rộng khắp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi đối tượng. Ảnh VGP/Nhật Thy

Phong trào TDTT tại nhiều địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc, rộng khắp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi đối tượng. Ảnh VGP/Nhật Thy

Từ năm 2010 đến nay, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phát triển với các loại hình tập luyện đa dạng, thu hút đông đảo người dân tham gia; hiện nay, tỉ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,5% số dân trong toàn tỉnh (tăng khoảng 11% so với năm 2010); có 36,2% số hộ gia đình luyện tập TDTT.

Trung bình hằng năm, Khánh Hòa tổ chức hơn 20 giải thể thao cấp tỉnh, 160 giải thể thao cấp huyện, đăng cai tổ chức hơn 10 giải thể thao cấp toàn quốc; có 48 đơn vị cấp xã được công nhận là đơn vị tiên tiến TDTT cấp tỉnh; 100% trường học các cấp thực hiện chương giáo dục thể chất chính khóa và ngoại khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 60% các đơn vị lực lượng vũ trang đảm bảo có cơ sở vật chất, sân bãi để cán bộ, chiến sĩ tập luyện TDTT…

Thể thao thành tích cao cũng được tỉnh quan tâm đầu tư và phát triển với 13 bộ môn (tăng 4 bộ môn so với giai đoạn trước), trong đó có 5 bộ môn thể thao trọng điểm loại 1 (bóng bàn, karatedo, taekwondo, điền kinh, cử tạ). Trung bình mỗi năm, Khánh Hòa tham dự hơn 70 giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế; đạt gần 300 bộ huy chương các loại; có trên 50 vận động viên được phong cấp I quốc gia, 30 vận động viên cấp kiện tướng quốc gia.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển tích cực, cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tập luyện thể thao thuờng xuyên. Ước tính đến hết năm 2020, tỉ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 30% dân số; tỉ lệ gia đình luyện tập TDTT đạt 23% số hộ gia đình trong toàn tỉnh; 100% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; 98% cán bộ chiến sĩ đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe. Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hằng năm đã thu hút nhiều đối tượng tham gia huởng ứng tích cực, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các môn thể thao dân tộc cổ truyền và các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển. Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phòng bệnh, chữa bệnh được quan tâm hơn. Việc lồng ghép phát triển thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch trong những năm gần đây được chú trọng tổ chức như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức 2 năm/ lần; đăng cai, tổ chức các giải đua xe đạp... từ đó, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, công tác TDTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả quan trọng cả về TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Phong trào TDTT quần chúng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tập luyện, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Đồng thời, qua đó nhiều vận động viên có năng khiếu được phát hiện, tuyển chọn và trưởng thành từ cơ sở đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các đội tuyển của tỉnh tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế giành nhiều thành tích cao, góp phần đưa thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển ổn định, vững mạnh.

Một trong những hoạt động TDTT quần chúng được tổ chức quy mô rộng lớn với sự tham gia của đông đảo nhân dân tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học; huyện, thị xã, thành phố và tỉnh là "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”. Bên cạnh đó, hằng năm ngành TDTT tỉnh duy trì tổ chức trung bình từ 30-50 giải thi đấu thể thao, các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức trên 500 giải thi đấu thể thao. Nhờ đó, các chỉ số về phát triển TDTT quần chúng đều tăng hằng năm.

Đến nay, tỉ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn tỉnh đạt 32,6% dân số; số gia đình thể thao đạt 27,3% (tăng 8,9% so với năm 2010); số gia đình thể thao đạt 27,3% (tăng 7% so với năm 2010), số trường học đảm bảo giáo dục thể chất luôn đạt 100%, có 921 câu lạc bộ thể thao (tăng 8,9% so với năm 2010)...

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, nhiều nhân tố có năng khiếu được phát hiện và bồi dưỡng bổ sung vào các đội tuyển của tỉnh. Nhờ đó, trong 10 năm qua, thể thao thành tích cao của Bình Dương từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thể thao quốc gia.

Giai đoạn 2016 – 2019, Thể thao thành tích cao Bình Dương giành được tổng số huy chương là 5.438 huy chương, đạt 125% so với chỉ tiêu đề ra là 4.316 huy chương…

Theo chinhphu.vn

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/the-thao/202012/tao-suc-lan-toa-manh-me-cac-phong-trao-the-duc-the-thao-2511935/