Tạo sức 'hút' tiêu thụ nông sản trên thị trường nội địa: Đâu là giải pháp?

Do ảnh hưởng của dịch Covid, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã gặp khó trong xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. Lúc này thị trường trong nước gần 100 triệu dân được xác định là cứu cánh. Nhưng cách nào để định vị trên sân nhà?

Nuôi theo mô hình an toàn sinh học, gà thịt chất lượng tốt nên HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (xã Hợp Thành, Sơn Dương, Tuyên Quang) nuôi bao nhiêu, khách tìm đến thu mua bấy nhiêu.

Nuôi theo mô hình an toàn sinh học, gà thịt chất lượng tốt nên HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (xã Hợp Thành, Sơn Dương, Tuyên Quang) nuôi bao nhiêu, khách tìm đến thu mua bấy nhiêu.

Xuất khẩu gặp khó

Ngày 2/6/2020, tại cuộc họp thường kì của Chính phủ hàng tháng, đề cập đến vấn đề phát triển thị trường nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Phải lấy cung làm chủ đạo, đẩy mạnh cầu của nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân”.

Có thể nói, đại dịch Covid-19, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp quy mô, tạm ngưng hoạt động hoặc ngừng hẳn. Nhiều sản phẩm sản xuất ra nhưng sức tiêu thụ yếu, vẫn còn một số nông sản tiếp tục phải giải cứu như: bí đao, ổi, thủy - hải sản.

Do ảnh hưởng của dịch Covid, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019. Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ có giá cá tra, giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm sú tại ĐBSCL cũng biến động rất mạnh, làm hàng trăm ngàn hộ dân nuôi tôm gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không xuất khẩu được trong khi hàng tồn kho còn nhiều. Có thời điểm giá tôm sú giảm khoảng 70.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), sau khi giảm 16% trong tháng 5/2020 đạt 639 triệu USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm 10% ước đạt 626 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hay vào đầu tháng 2/2020, hàng trăm xe container thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai. Tính riêng trong ngày 2/2/2020, tại Lạng Sơn có khoảng 175 xe chở thanh long (loại 20 tấn/xe), tương đương 3.500 tấn bị ùn ứ ở cửa khẩu.

Dự báo trong tháng 7 và những tháng cuối năm 2020, công tác xuất khẩu ở nước ta vẫn còn gặp khó khăn do dịch Covid bùng phát lần 2 vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Bài học sâu sắc rút ra là, cùng với tăng cung hàng hóa phải đi đôi với tạo sức mua, kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thị trường nội địa Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân, không phải thị trường quy mô nhỏ. Trong bối cảnh dịch Covid, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng thì thị trường nội địa chính là cứu cánh cho doanh nghiệp. Kinh doanh trên thị trường nội địa các doanh nghiệp Việt sẽ có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp ngoại.

Để giúp người dân Thủ đô tiếp cận các sản phẩm nông sản của mình, hàng năm tỉnh Sơn La thường xuyên tổ chức “Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La”.

Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai. Về lâu dài, các doanh nghiệp mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển, bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ, TS Nam cho biết thêm.

Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường nội địa, thời gian gần đây nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt đến gần hơn tới người tiêu dùng. Trước hết phải kể đến sự kiện kết nối “Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, diễn ra ngày 9/6, tại Hà Nội.

Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội và Phiên chợ tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020. Mới đây nhất ngày 1/7/2020, Bộ Công thương tổ chức “Lễ Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Việt Nam Grand Sale 2020”....

Hay cách làm sáng tạo của Bắc Giang, chuẩn bị cho công tác tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 với 62 điểm cầu ở tất cả các tỉnh, TP trong cả nước và 4 điểm cầu tại hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Hiện, vụ vải đã thu hoạch xong, với doanh thu từ vải và các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng 6.800 tỷ đồng, cao hơn năm 2019 (khoảng 500 tỷ đồng) và cao nhất từ trước đến nay.

Giải pháp mở rộng thị trường nội địa

Bàn về giải pháp mở rộng thị trường nội địa, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, với việc kích cầu thị trường nội địa, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vào thời điểm này là thị trường tiêu thụ. Với gần 100 triệu dân chỉ cần tổ chức tốt, chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua. Trước mắt, cần phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Còn theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để làm tốt việc mở rộng thị trường nội địa, doanh nghiệp cần đảm bảo đạt chuẩn hàng hóa đề giữ uy tín, cũng cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội của mình.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia, thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, khuyến khích các đơn vị làm ăn nghiêm túc đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần khẳng định được vị thế, chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng thực phẩm.

Có thể nói, Việt Nam là thị trường lớn, trong khi thu nhập đầu người hàng năm liên tục tăng, đây tiến hiệu tốt để các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa. Khi các sản phẩm Việt đã có vị trí, thế đứng trong thị trường nội địa, thì dù các Hiệp định Thương mại có hiệu lực, sản phẩm ngoại cũng không thể hất tung ra khỏi kệ.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tao-suc-hut-tieu-thu-nong-san-tren-thi-truong-noi-dia-dau-la-giai-phap-post36569.html