Tạo sức bật mới cho doanh nghiệp và người lao động

Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về 'Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến 2020' được xem là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên và duy nhất trong cả nước về xây dựng đảng, đoàn thể trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhiều đảng viên hoạt động cầm chừng.

Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những kết quả quan trọng đạt được thời gian qua đã khẳng định vai trò, vị trí của công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, phù hợp với phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong tình hình mới.

Lễ ra mắt Công đoàn Công ty cổ phần Hyosung Việt Nam theo Nghị quyết 09-NQ/TU, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Long Biên

Lễ ra mắt Công đoàn Công ty cổ phần Hyosung Việt Nam theo Nghị quyết 09-NQ/TU, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Long Biên

Bài 1: Quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong thực hiện

Qua 7 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã góp phần nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đây cũng là cơ sở chính trị để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn và các đoàn thể tại doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Số lượng tổ chức đảng, đoàn thể tiếp tục tăng

Nghị quyết 09-NQ/TU, đến nay được đánh giá là Nghị quyết duy nhất thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, có vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy hài hòa giữa lợi ích của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể.

Còn nhớ, vào tháng 3/2017, khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, Thành ủy Hà Nội đã đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban thường vụ Thành ủy, Ban chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước Thành phố, cùng sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, số lượng các tổ chức đảng, các đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên tăng nhanh chóng - bằng 1,25 lần tổng số tổ chức đảng được thành lập sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị.

Cụ thể, chỉ sau 5 năm thực hiện, Hà Nội đã thành lập mới được 886 tổ chức đảng (đạt 88,15% chỉ tiêu), nâng tổng số tổ chức Đảng doanh nghiệp ngoài Nhà nước của thành phố lên 1.637; kết nạp mới 5.964 đảng viên mới, trong đó có 24 đảng viên là chủ doanh nghiệp, thành lập mới được 1.994 Công đoàn cơ sở với 213.066 đoàn viên; thành lập 681 tổ chức đoàn, hội thanh niên.

Năm 2019, ngay từ đầu năm khi triển khai thực hiện Nghị quyết, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU nhấn mạnh: Năm 2019 phải là năm đột phá, tăng tốc, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết trước khi tổ chức đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, mỗi đơn vị cần coi công tác phát triển đảng viên và phát triển tổ chức Đảng tại doanh nghiệp là việc làm đặc biệt quan trọng, nhưng không vì chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng.

Đến nay, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn Thành phố thành lập được 102/204 tổ chức Đảng (đạt 50% kế hoạch năm 2019 và đạt 129% so với cùng kỳ năm 2018); kết nạp mới 312 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; kết nạp được 6 chủ doanh nghiệp vào Đảng.

Với các tổ chức đoàn thể, 6 tháng đầu năm, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và công đoàn các cấp đã thành lập 253/500 công đoàn cơ sở (đạt 50,6% Kế hoạch), kết nạp mới với 13.595 đoàn viên. Các cơ sở Đoàn - Hội trực thuộc Thành đoàn đã thành lập được 221/350 tổ chức Đoàn, Hội, Câu lạc bộ tổ, đội, nhóm, đạt 63,1% theo Kế hoạch năm 2019 với 19.670 đoàn viên, hội viên.

Nhiều cấp ủy vào cuộc chủ động, sáng tạo

Triển khai thực hiện Nghị quyết, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở năm 2018; xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, giao chỉ tiêu cho Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng công ty, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập mới ít nhất 500 công đoàn cơ sở và kết nạp mới 30.600 đoàn viên. Trong đó, phấn đấu phát triển tăng thêm ít nhất 28.000 đoàn viên công đoàn; tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô thực hiện Đề án 03 về “Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn ở cơ sở”.

Lễ kết nạp đảng viên mới tại Công ty cổ phần Vật tư thiết bị dầu khí (Khu công nghiệp Đài Tư - Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội)

Liên đoàn Lao động Thành phố cũng xác định, cách thức vận động người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn thiết thực và hiệu quả nhất chính là hoạt động công đoàn phải có sức cuốn hút, vai trò, vị thế và niềm tin của Công đoàn trong lòng đoàn viên, người lao động phải được khẳng định, nâng cao. Chính vì thế, các cấp công đoàn Thủ đô đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất thông qua các chương trình “Vì lợi ích đoàn viên”.

Tại quận Long Biên, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy, Ban thường vụ Liên đoàn Lao động quận đã chủ động xây dựng các văn bản, chương trình, kế hoạch phối hợp với UBND quận, tạo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa UBND quận và Liên đoàn Lao động quận trong công tác chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo từ Quận ủy và UBND quận, UBND các phường đã tiến hành điều tra, khảo sát, báo cáo kết quả về các doanh nghiệp, trường học khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn; phối hợp với Liên đoàn Lao động quận làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

Đáng chú ý, tại quận Long Biên, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở là một tiêu chí đánh giá thi đua đối với các Công đoàn các phường, tiến hành chấm điểm 2 đợt/năm theo quy định của Hội đồng Thi đua khen thưởng quận. Do vậy, công tác xây dựng đảng, phát triển đoàn thể được các cấp ủy trên địa bàn quận Long Biên tiến hành đồng bộ, bài bản và trách nhiệm đến từng cán bộ, đảng viên.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên cho biết: Sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, phòng, ban như Thuế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội quận trong việc kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, gắn với nhiệm vụ tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở rất hiệu quả.

Theo đó, 7 tháng đầu năm, quận Long Biên đã thành lập được 25 công đoàn cơ sở theo Nghị quyết 09-NQ/TU với gần 1.000 đoàn viên (vượt 10 công đoàn cơ sở theo chỉ tiêu được giao). Điều đáng mừng là tại các doanh nghiệp đã thành lập Chi bộ Đảng, tổ chức Công đoàn, mối quan hệ giữa cấp ủy - chính quyền - Công đoàn ngày càng khăng khít, tạo được sự đồng thuận, xây dựng được quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, thu hút người lao động vào làm việc ổn định tại địa phương

Theo Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đề ra mục tiêu tiếp tục tăng cường công tác xây dựng đảng, đoàn thể; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước phải được đặt trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ doanh nghiệp, người lao động và thực hiện tốt chính sách xã hội.

Về mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, thành lập mới 600-650 tổ chức đảng; 1.700-1.800 tổ chức Công đoàn; 900-1.000 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên; 50-60 tổ chức hội phụ nữ trong các doanh nghiệp.

Bài 2: Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tao-suc-bat-moi-cho-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-95331.html