Tạo sức bật cho các vùng nông thôn giai đoạn hội nhập

Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng các vùng nông thôn.

Các tuyến đường từ cấp xã, huyện, tỉnh được đầu tư đồng bộ, khang trang. Trong ảnh: Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Các tuyến đường từ cấp xã, huyện, tỉnh được đầu tư đồng bộ, khang trang. Trong ảnh: Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Ngoài mục tiêu tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh cũng được chú trọng đầu tư, gắn với phát triển đô thị nhằm tạo sự liên kết đồng bộ giữa các vùng nông sản qua đó phát triển hệ thống cung ứng, tiêu thụ nông sản.

* Kết nối vùng

Bước vào giai đoạn hội nhập, vấn đề liên kết giữa các địa phương, các vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp về đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến là rất cần thiết. Hậu NTM, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông; đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất), các cụm công nghiệp chế biến nông sản để phát huy hiệu quả của chương trình liên kết vùng trong tiêu thụ, chế biến nông sản.

Theo một số doanh nghiệp đã đầu tư hoặc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai có nhiều lợi thế về vị trí địa lý để tiếp cận những thị trường lớn trong tiêu thụ nông sản. Tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương vẫn rất lớn vì thời gian qua, nhiều tuyến đường cao tốc lớn được đầu tư mới đi qua địa bàn Đồng Nai, tạo sự thuận lợi để đưa hàng đi tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác.

Ông Đào Văn Chương, thương lái chuyên thu mua nông sản ở các huyện vùng sâu Tân Phú, Định Quán nhận xét, các địa phương rất quan tâm đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nên việc vận chuyển nông sản từ cấp xã, liên xã, liên huyện, giữa các huyện, thành phố ngày càng thuận lợi hơn nhiều. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ có thêm nhiều tuyến đường cao tốc kết nối với các tỉnh, thành, sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Định hướng cho chương trình xây dựng NTM của Đồng Nai trong giai đoạn tới, nhiều dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nông thôn liên kết vùng được chú trọng đầu tư. Cụ thể, các dự án giao thông lớn như: cầu Bạch Đằng nối từ tỉnh Bình Dương qua H.Vĩnh Cửu, đường 768B của H.Vĩnh Cửu nối với đường vành đai 4 của TP.Biên Hòa, đường từ xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) nối đến xã Thanh Sơn (H.Định Quán); trục từ H.Định Quán qua TP.Long Khánh… nhằm kết nối giữa các địa phương. Ngoài ra, quy hoạch hương lộ 10 kết nối với khu vực vành đai cảng hàng không quốc tế Long Thành với H.Cẩm Mỹ và H.Xuân Lộc để tạo sự liên kết các vùng sản xuất nông nghiệp ở H.Xuân Lộc, TP.Long Khánh, H.Cẩm Mỹ. Từ đó, tạo sức bật đánh thức tiềm năng của 2 huyện thuần nông là Xuân Lộc và Cẩm Mỹ.

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ, mục tiêu phát triển NTM giai đoạn tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng định hướng, các địa phương và những sở, ngành liên quan cần chủ động tính toán để huy động và tạo được nguồn vốn lớn đầu tư cho NTM cũng như lồng ghép với các chương trình đầu tư, phát triển kinh tế của địa phương. Những tuyến đường đã được đầu tư tốt cũng cần phải bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa.

* Nhiều điểm đột phá

Trong giai đoạn mới, tỉnh và các địa phương đều quan tâm, có cơ chế đột phá đầu tư phát triển hệ thống giao thông phù hợp với đặc thù riêng của từng địa bàn, nhất là những vùng khó khăn, tạo sức bật để các địa phương khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Chỉ ra những cơ hội với thị trường lớn cho nông sản của tỉnh trong tương lai, TS Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam gợi ý, quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 100 triệu hành khách/năm là một thị trường tiềm năng rất lớn cho nông sản Đồng Nai. Tỉnh nên đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông kết nối các địa phương vùng phụ cận sân bay, xây dựng các vùng nông sản an toàn hướng đến phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế của sân bay này.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đại Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Long Giao (H.Cẩm Mỹ) cho biết, với lợi thế gần với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đô thị Long Giao được định hướng phát triển trở thành vùng đệm phụ trợ cho sân bay với các dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho hàng không... Theo kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách tỉnh, tuyến hương lộ 10 nối trung tâm hành chính của H.Cẩm Mỹ với quốc lộ 1 đoạn qua H.Xuân Lộc sẽ được đầu tư, kết nối Cẩm Mỹ với các địa phương lân cận. Khi đó, Long Giao sẽ trở thành trung tâm trung chuyển nông sản cho các xã của Cẩm Mỹ đi nhiều nơi.

Chú trọng đầu tư hạ tầng tạo điều kiện mở rộng kết nối, tiêu thụ nông sản để sản xuất nông nghiệp bền vững cũng là mục tiêu của các địa phương trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Theo Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên, huyện quyết liệt vào cuộc trong việc đầu tư mới cũng như duy tu, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn nhằm kết nối tạo sự thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Huyện cũng quan tâm đầu tư cho thủy lợi, chuyển đổi sản xuất an toàn nhằm xây dựng được những vùng chuyên canh theo chuỗi với quy mô lớn, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản để sản xuất nông nghiệp của địa phương thực sự phát triển bền vững.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202103/tao-suc-bat-cho-cac-vung-nong-thon-giai-doan-hoi-nhap-3048728/